Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 22/01/2025 10:40 (GMT +7)
Đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Thứ 4, 22/01/2025 | 10:30:53 [GMT +7] A A
Sự kỳ vọng trở thành một điểm sáng trong phát triển KHCN cũng đang thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo bứt phá, khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh.
Những chuyển biến tích cực
Các chỉ tiêu về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Quảng Ninh đã cho thấy những đóng góp tích cực của KHCN đối với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Kể từ năm 2020, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn đạt trên 45%; tỷ lệ đóng góp của chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế duy trì trên 50%. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh giữ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Đáng chú ý, KHCN đang hiện diện rõ nét trên các lĩnh vực của Quảng Ninh. Giai đoạn 2020-2024, Quảng Ninh đã triển khai 108 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, quản lý môi trường, du lịch, bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước… Những nhiệm vụ KHCN này đã đóng góp tích cực vào tăng năng suất lao động, cải thiện quản lý nhà nước và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Hơn 90% kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thực tế, tiết kiệm ngân sách đáng kể và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong nông nghiệp, KHCN đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Các sản phẩm OCOP không chỉ đạt tỷ lệ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao (63,2%) mà còn gia tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời, việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao đã tạo nền móng cho sự phát triển hiện đại và bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.
Trong y học, những thiết bị hiện đại, chuyên sâu đã được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Giáo dục thông minh hiện diện trong hầu hết các trường, lớp học, giúp nâng cao chất lượng dạy và học toàn tỉnh. Ngoài ra, các lĩnh vực du lịch, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo… đều ghi dấu sự hiện diện của KHCN, qua đó, giúp các ngành nghề nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.
Mạnh dạn, vững tin để bứt phá
Cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh vể phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh cũng đang phấn đấu đưa KHCN, đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong lĩnh vực này.
Tỉnh cũng đang nỗ lực nâng tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% tổng số doanh nghiệp. KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người. Xây dựng hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano...
Theo Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Cường, ngành KH&CN sẽ làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo tỉnh để đưa ra giải pháp trọng tâm liên quan đến lĩnh vực KHCN được phê duyệt; nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, gắn với phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ nút thắt về chính sách; phát triển hạ tầng KHCN, đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại; mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, công nghệ xanh. Trọng tâm vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất điện, khai khoáng, du lịch, thương mại, logistics, nông nghiệp, kinh tế biển, cảng biển, hoạt động hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước... để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công các đơn vị sự nghiệp KHCN, phát triển thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo, gia tăng số lượng doanh nghiệp KHCN. Thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN phù hợp với lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên tập trung…
“Trước yêu cầu mới, thách thức mới, đặc biệt là quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng lớn, nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đột phá về KHCN, đổi mới sáng tạo. Đây chính là thời điểm quan trọng để ngành KH&CN tiếp tục khơi dậy, tôn vinh tinh thần sáng tạo, phát huy những đóng góp của lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh để bước vào kỷ nguyên phát triển mới” - Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
Nguyên Ngọc
- Để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đòn bẩy phát triển KT-XH
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Phát triển KHCN đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu
- Đưa KHCN bén rễ sâu, lan tỏa rộng
- Thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()