Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:32 (GMT +7)
Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 5, 11/04/2024 | 06:16:00 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo các địa phương, sở, ngành ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; đưa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; chủ động lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư cho việc ứng dụng KH&CN.
Quyết liệt triển khai
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN), trong những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KH&CN, nổi bật Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 05/5/2012, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN; Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 2/6/2014 về phê duyệt quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 28/4/2023, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, nhằm định hướng phát triển KH&CN tỉnh qua các giai đoạn phù hợp với phát triển KT-XH.
Vai trò lãnh đạo, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động KH&CN tiếp tục được nâng cao. Đảng bộ địa phương, Đảng bộ trực thuộc và các sở, ngành ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết; đưa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của địa phương, đơn vị; chủ động lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư cho việc ứng dụng KH&CN.
Công tác tuyên truyền, thông tin về hoạt động KH&CN được đẩy mạnh. Những năm qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Sở KH&CN sản xuất và phát sóng, đăng tải hơn hàng nghìn lượt tin, bài, ảnh, chuyên đề trên các hạ tầng nhằm giới thiệu các mô hình, kết quả ứng dụng, đổi mới công nghệ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm; ứng dụng các tiến bộ về công nghệ trong sản xuất...
Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở GD&ĐT tham mưu tổ chức các hội thi, cuộc thi giải pháp sáng tạo kỹ thuật để khuyến khích, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo; phổ biến giới thiệu các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm khoa học mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y dược và xây dựng NTM. Các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia các hội thi sáng tạo, cải tiến và ứng dụng tiến bộ KHCN, Hội thi Tin học trẻ, Cuộc thi viết sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu...
Tỉnh cũng tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KHCN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, cũng kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu đầu tư trên địa bàn.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là của các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển KT-XH đã có sự chuyển biến rõ nét; đã xác định rõ hơn việc ứng dụng, phát triển KHCN là sự sống còn của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó tập trung triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hoạt động KH&CN có những bước tiến mạnh mẽ, tạo được sự đột phá cho từng ngành, lĩnh vực, góp phần đưa các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về KH&CN thực sự đi vào cuộc sống.
Những bước tiến rõ nét
Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung nghiên cứu để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho quản lý kinh tế, quản lý nhà nước tại địa phương, các cơ chế chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Ứng dụng KH&CN trong công tác quản lý Nhà nước và cải cách hành chính; điều tra, nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp bảo tồn, phát triển các nguồn lợi tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên: tài nguyên biển, tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, khoáng sản, các nguồn lợi thủy hải sản trên địa bàn phục vụ cho công tác quản lý và phát triển KT-XH của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý các nguồn lợi tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, đô thị. Ứng dụng công nghệ sinh học, giảm sơ chế, tăng chế biến sâu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu; Cải tiến các công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu thiết kế các mẫu công trình xây dựng đô thị, dân dụng sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng; Ứng dụng công nghệ mới để tái sử dụng chất thải của các nhà máy nhiệt điện… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thiết kế, quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Nghiên cứu xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc xử lý chất thải, rác thải, đảm bảo môi trường; Nghiên cứu, triển khai sử dụng năng lượng tái tạo; phục hồi, giảm phát thải khí nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển sản xuất xanh; Phòng chống thiên tai; tăng cường ứng dụng các công nghệ của y học hiện đại, y học cổ truyền trong hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh.
Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ được phát triển đồng bộ.
Hoạt động đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến rõ nét. Các doanh nghiệp đã quan tâm đến chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất; đầu tư, cải tiến máy móc thiết bị để phù hợp với điều kiện sản xuất, qua đó tiết kiệm năng lượng, giảm nhân công lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các tổ chức KH&CN, nhà khoa học, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cao, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường như Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 11 kỷ lục và tặng kỷ niệm chương “Tinh hoa kỷ lục” nhờ ứng dụng hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, sử dụng robot trong nhiều khâu sản xuất; đội ngũ thành viên lao động có tay nghề cao, có tư duy đổi mới sáng tạo.
Ngành than từng bước phát triển theo hướng hiện đại hóa cơ khí sửa chữa, phát triển cơ khí chế tạo, làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất được hàng loạt các sản phẩm cơ khí chủ lực phục vụ cho trong và ngoài ngành. Ngành điện áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh; ứng dụng nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả sản xuất, giảm thiểu các ảnh hưởng từ quá trình hoạt động tới môi trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung ứng dụng KHCN vào các khâu: Xây dựng quy trình sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm; thiết kế mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì và xúc tiến quảng bá các sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng các thiết bị di động. Các đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, các công ty viễn thông, bưu chính đã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...
Những tiến bộ KH&CN đóng góp quan trọng trong mọi mặt đời sống, quản lý xã hội. Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tiếp tục khẳng định phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là một nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, các ngành, lĩnh vực KT-XH, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng chuyển để thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển KT-Xh nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh...
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.
Tin rằng với những nhóm giải pháp, nhiệm vụ được xây dựng cụ thể, rõ việc, rõ địa chỉ, tỉnh sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()