Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:30 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XIV Thêm động lực phát triển lâm nghiệp
Thứ 6, 05/07/2024 | 11:23:30 [GMT +7] A A
Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm tại 2 địa phương là Hạ Long và Ba Chẽ. Việc triển khai nghị quyết đã góp phần thúc đẩy lâm nghiệp Quảng Ninh phát triển bền vững.
Ba Chẽ là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh, với 56.690ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 94% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Điều kiện khí hậu của địa phương cũng phù hợp phát triển trồng rừng và các loại dược liệu quý dưới tán rừng.
Hiện thực hóa mục tiêu trồng trừng gỗ lớn theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, huyện Ba Chẽ đã phát triển diện tích rừng gỗ lớn, giống cây bản địa và khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn, sang trồng rừng gỗ lớn. Để chủ động nguồn giống cây trồng chất lượng, huyện phối hợp với 15 đơn vị, doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, nhằm phục vụ nhu cầu trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng tập trung trên địa bàn. Tới nay, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn.
Là một trong những hộ tiên phong trồng rừng gỗ lớn, đến nay đã trồng được trên 3ha lim, giổi, lát, anh Nịnh Văn Năm (thôn Khe Lọng ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: Gia đình tôi có tổng số 7,5ha rừng. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng keo, nhưng thu nhập không cao. Được sự tuyên truyền, hỗ trợ về giống cây và vốn vay để đầu tư, năm 2021 gia đình tôi đã chuyển từ trồng keo sang trồng lim. Hiện nay cây đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Để thâm canh, gia đình trồng xen kẽ cây quế và ba kích. Việc trồng cây gỗ lớn về lâu dài chắc chắn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, góp phần giữ được sinh thủy địa phương, chống xói mòn và bảo vệ môi trường.
6 tháng đầu năm 2024, Ba Chẽ đã trồng được trên 130ha rừng gỗ lớn, đạt 52,3% kế hoạch của huyện (250ha) và đạt 6,4% kế hoạch tỉnh giao (200ha), bằng 59,5% so cùng kỳ năm 2023. Nhiều xã, thị trấn vượt kế hoạch được giao, như: Lương Mông đạt 110%, Đạp Thanh đạt 102,5%, Thanh Sơn đạt 125,5%, Đồn Đạc đạt 120,8%...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tích cực chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn; phát triển các mô hình trồng rừng, dược liệu tiêu biểu. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ để tạo niềm tin và động lực cho người dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp từ loài cây sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế thấp, sang trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, dược liệu có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp và dược liệu của tỉnh.
Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển diện tích rừng gỗ lớn, cây bản địa, nâng cao chất lượng rừng trồng của tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã trồng được 4.170ha rừng gỗ lớn, cây bản địa; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghị quyết, còn một số tồn tại, như: Chưa có cơ chế hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân phát triển kinh tế dưới tán rừng trong thời gian chờ thu hoạch; cây quế vẫn chiếm diện tích lớn, trên 92% tổng diện tích thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn, các loài lim, giổi, lát… chiếm tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương; việc quản lý, giám sát chất lượng cây còn hạn chế; đối tượng hỗ trợ chưa được mở rộng, mới chỉ dừng lại ở hộ gia đình, chủ rừng…
Vì vậy, rất cần chính sách mới để khuyến khích, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp hiệu quả hơn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vũ Duy Văn cho biết: Sở đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV. Dự thảo nghị quyết có một số điểm mới so với Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND, như: Mở rộng phạm vi áp dụng từ 2 địa phương thí điểm lên thành áp dụng trên toàn tỉnh; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, từ chỉ hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân, thành hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn từ chỉ hỗ trợ kinh phí mua cây giống với mức 15 triệu đồng/ha, thành hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc với mức 20 triệu đồng/ha; nâng mức hỗ trợ vay vốn Ngân hàng CSXH từ 20 triệu đồng/ha lên 30 triệu đồng/ha; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dưới tán rừng...
Khi được thông qua chính sách mới sẽ tạo thêm động lực để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa trong quá trình canh tác, phát triển sản xuất. Theo Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Chẽ Chìu Văn Quỳnh, hằng năm công ty trồng trên 300ha rừng sản xuất. Thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn của tỉnh, của huyện, mỗi năm đơn vị trồng khoảng 80ha các loại lim, giổi, lát… Tuy nhiên, hiện đơn vị đang tự bỏ vốn để thực hiện trồng gỗ lớn nên cũng gặp nhiều khó khăn. Trung bình trồng 1ha cây gỗ lớn sẽ chịu chi phí khoảng 50 triệu đồng các khâu chăm sóc. Nếu Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND được sửa đổi, bổ sung và có hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ tạo “cú huých” lớn đối với doanh nghiệp lâm nghiệp trong trồng rừng gỗ lớn; giúp các doanh nghiệp được vay vốn, xoay vòng sản xuất, chăm sóc, mở rộng diện tích trồng và thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()