Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 05:07 (GMT +7)
Động lực mới cho du lịch Bình Liêu phát triển
Thứ 3, 04/04/2023 | 15:00:05 [GMT +7] A A
Ngày 7/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2023”. Đây chính là động lực quan trọng, mở ra cơ hội để Bình Liêu bứt phá trong phát triển ngành du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng của tỉnh.
Mục tiêu phát triển du lịch bền vững
Những năm trở lại đây, mảnh đất miền núi biên giới Bình Liêu đã trở nên quen thuộc với tín đồ yêu thích du lịch khám phá. Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp cùng nền văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số, Bình Liêu thu hút du khách bởi những trải nghiệm sinh thái, văn hóa cộng đồng độc đáo.
Từ năm 2015, khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 “Về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030” và đến năm 2020, khi được UBND tỉnh công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, Bình Liêu đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mới... nhằm thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" trên địa bàn huyện phát triển tương xứng với tiềm năng. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng. Nhờ đó, lượng khách du lịch tăng đều qua các năm, tính riêng giai đoạn 2016-2020 (trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) Bình Liêu đón khoảng 330.000 lượt khách (khách lưu trú đạt trên 20%), doanh thu đạt trên 97 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Bình Liêu đón 100.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 53 tỷ đồng. Du lịch Bình Liêu đã từng bước khẳng định sự phát triển đúng hướng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Nhằm tiếp tục tạo động lực đưa du lịch Bình Liêu bứt phá với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phát triển du lịch một cách bền vững, góp phần đưa du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa, trung tâm du lịch quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 “Về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2023” (gọi tắt là Đề án).
Đề án xác định mục tiêu: Xây dựng huyện Bình Liêu trở thành một trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động bền vững gắn với giảm nghèo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột của địa phương trong giai đoạn 2022-2030 và gắn kết chặt chẽ với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm địa phương và thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng, uy tín đầu tư vào du lịch trên địa bàn huyện. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 500.000 lượt, khách lưu trú đạt trên 150.000 lượt, khách nước ngoài đạt trên 20.000 lượt. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, lao động trực tiếp liên quan đến hoạt động du lịch trên 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%. Đến năm 2030, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 800.000 lượt, khách lưu trú đạt trên 350.000 lượt, khách nước ngoài đạt trên 30.000 lượt. Doanh thu đạt trên 960 tỷ đồng, lao động trực tiếp liên quan đến hoạt động du lịch trên 5.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 95%.
Cụ thể hóa các giải pháp
Bám sát những định hướng của Đề án, Bình Liêu đang xây dựng Nghị quyết “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phát triển du lịch. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ tất yếu, phù hợp xu thế và tiềm năng, lợi thế, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của địa phương.
Theo đó, huyện sẽ tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy hoạch du lịch theo quy định, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung phát triển nguồn nhân lực; đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch...
Đặc biệt, Bình Liêu đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch theo các tuyến du lịch nội vùng và ngoại vùng. Trong đó, tuyến nội vùng gồm: Các tuyến du lịch văn hóa sinh thái (8 tuyến); tuyến du lịch văn hóa tâm linh (1 tuyến) và các tuyến du lịch sinh thái cảnh quan (3 tuyến). Tuyến kết nối ngoại vùng gồm: Các tuyến kết nối nội tỉnh (4 tuyến kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Trà Cổ (Móng Cái) và Đông Triều, Uông Bí); các tuyến kết nối liên tỉnh (7 tuyến tới các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và tuyến du lịch kết nối quốc tế (1 tuyến kết nối với Phòng Thành Cảng (Quảng Tây - Trung Quốc).
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (HanoiTourism), cho biết: Tháng 7/2022, UBND huyện Bình Liêu và HanoiTourism đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch. Với mục tiêu đồng hành cùng địa phương phát triển du lịch bền vững, việc Đề án phát triển du lịch Bình Liêu được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành với những định hướng phát triển cụ thể sẽ tạo cơ sở để doanh nghiệp và địa phương phối hợp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa trên cơ sở tôn trọng tính truyền thống, bản sắc văn hóa bản địa, góp phần xây dựng điểm đến du lịch Bình Liêu chất lượng, thân thiện và an toàn.
Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp du lịch đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng, resort, khách sạn quy mô lớn để nâng cao công suất phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh các dịch vụ du lịch như lưu trú, homestay, nhà hàng, sản xuất và bán hàng đồ thủ công truyền thống...
Tin tưởng với sự hỗ trợ của tỉnh, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân, du lịch Bình Liêu sẽ có bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế trụ cột của địa phương trong giai đoạn 2022-2030, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH và nâng cao đời sống nhân dân.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()