Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:00 (GMT +7)
Đầm Hà: Động lực mới cho địa bàn vùng khó
Thứ 4, 28/09/2022 | 09:14:16 [GMT +7] A A
Phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, rút ngắn khoảng cách vùng miền được huyện Đầm Hà tích cực thực hiện thông qua các chính sách dân tộc, Đề án 196, Chương trình xây dựng NTM... Trọng tâm hiện nay là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/HU (ngày 17/9/2021), UBND huyện ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND (ngày 26/10/2021) đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, phân công cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương với tâm thế sẵn sàng, chủ động, quyết tâm cao nhất. Qua đó nhằm đảm bảo đưa các chủ trương, chính sách nhanh chóng vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế, nguồn lực đầu tư.
Huyện xác định 10 nhóm mục tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 2025 trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi của huyện tối thiểu bằng 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 10% so với kế hoạch tỉnh giao (ít nhất là 3,3% mỗi năm); chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% các thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động và hạ tầng băng thông rộng cáp quang; 100% các xã, thôn, bản xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình kết hợp quân - dân trong tất cả các lĩnh vực... Đây là cơ sở để huyện triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị tham mưu, phụ trách, đảm bảo các chủ trương, chính sách được thực hiện thuận lợi, các nguồn lực đầu tư phát huy tối đa hiệu quả. Mọi vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc được ghi nhận đầy đủ để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời.
Triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU gắn với nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao năm 2022, huyện làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay thực hiện chỉ tiêu khó, còn đạt thấp. Nổi bật: Chuyển đổi diện tích vườn tạp khu vực đồi thấp sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên khoảng 500ha; chuyển đổi và trồng mới để phát triển rừng gỗ lớn bằng các loài cây lim, giổi, lát bản địa đạt gần 18ha; phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nhân rộng mô hình trang trại, gia trại (hiện đàn gia súc, gia cầm của huyện đạt gần 430.000 con)...
Bên cạnh khuyến khích phát triển sản xuất, huyện chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện ước giải quyết việc làm cho trên 1.100 lao động, đạt 91,6% kế hoạch năm. Các hội nghị giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động được huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) triển khai nhận được phản hồi rất tích cực từ học sinh và nhân dân địa phương.
Huyện huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông nông thôn, miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư, với nguồn vốn đầu tư ngân sách cả năm gần 69 tỷ đồng, nâng cấp các tuyến từ trung tâm huyện kết nối với 2 xã vùng cao là Quảng An, Quảng Lâm và các đường tràn vượt sông, suối. Các đề xuất, kiến nghị của nhân dân vùng DTTS, miền núi về thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... được huyện chỉ đạo khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền, đề xuất tỉnh hỗ trợ vốn thực hiện.
Đến hết tháng 8/2022, huyện đạt 7/9 tiêu chí, 33/38 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, cơ bản đảm bảo về đích huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2022 theo chỉ đạo của tỉnh. Hồ sơ xét công nhận 3 xã Đầm Hà, Tân Lập, Quảng Tân đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021 đã được hoàn thiện, trình UBND tỉnh thẩm định.
Với các giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU đang là động lực quan trọng giúp huyện không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng DTTS, miền núi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của địa phương.
Huyện Đầm Hà nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên 414,368 km2. Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện có 5 xã và thị trấn thuộc khu vực DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Năm 2022, dân số huyện Đầm Hà là 42.789 người, gồm 12 thành phần dân tộc. Trong đó, tỷ lệ đồng bào DTTS là 30,96%, tỷ lệ dân số thành thị là 18,8%, tỷ lệ dân số nông thôn là 81,2%. Tỷ lệ lao động ở địa bàn nông thôn, miền núi là 81% người trong độ tuổi lao động toàn huyện (20.817 người).
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()