Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:00 (GMT +7)
Động lực để người dân làm giàu trên quê hương
Thứ 3, 28/11/2023 | 05:58:38 [GMT +7] A A
Trong mọi hành trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì với mục tiêu tất cả vì đời sống nhân dân. Thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, bằng nguồn lực từ Trung ương và địa phương, tinh đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách để người tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, mọi người dân đều được thụ hưởng các thành quả của sự phát triển.
Thôi thúc ý chí vươn lên
Những năm trước đây, giống như nhiều hộ nghèo khác, chuyện ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm là hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà). Ý chí thoát nghèo luôn khiến anh Quyết trăn trở. Thế nhưng, thoát nghèo bằng cách nào khi thiếu vốn sản xuất là điều khiến anh bế tắc.
May mắn, anh Quyết được Hội Nông dân xã thẩm định, đề xuất và hướng dẫn cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Đầm Hà. Bằng số tiền 100 triệu đồng vay được, anh Quyết dành nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu, đầu tư nuôi gà bản Đầm Hà, kết hợp với trồng cây ăn quả. Bằng sự chịu khó, nỗ lực thoát nghèo và cả khát vọng làm giàu, đến nay gia trại chăn nuôi của anh Quyết đã có tới 1000 con gà, 400 gốc mít Thái, lợi nhuận trung bình đạt 200-250 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Quyết cho biết: Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi. Cuộc sống phụ thuộc vào vật nuôi, mảnh vườn, đồng đất. Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách, tôi sẽ không thể thoát nghèo, không có gia trại và cuộc sống sung túc hôm nay. Năm 2022, gia đình tôi vừa xây được căn nhà khang trang, kiên cố.
Không chỉ ở Đầm Hà, ở những vùng khó của tỉnh như: Bình Liêu, Ba Chẽ... hôm nay, những mảnh ruộng hoang hóa, những mảng đồi để cho cỏ dại mọc, những mảnh vườn bỏ không trước đây đã khoác lên tấm áo mới tràn đầy sức sống của sự trù phú, sung túc, tươi tốt. Sự đổi thay rõ rệt đó có được từ khi có luồng gió của tín dụng chính sách lan tỏa khắp mọi vùng, miền trong tỉnh.
Những khoản vay ưu đãi không chỉ đồng hành cùng người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, mà hơn cả đó là loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao nhận thức của nhân dân. Bằng bàn tay cần cù, người dân đã và đang tạo dựng nên cuộc sống đủ đầy của chính mình.
Đầu năm 2023, anh La Ngọc Tân (khu Na Làng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) được vay thêm 100 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu. Với số vốn này, vợ chồng anh Tân đầu tư mở rộng trang trại nuôi gà với gần 1.000 con kết hợp trồng cây giống. Đối với những người dân chăn nuôi gà như anh Tân, có nguồn vốn đầu tư sản xuất cùng giá bán gà thương phẩm từ 120-130.000 đồng/kg đã cho thu nhập ổn định.
Anh Tân tâm sự: Gia đình tôi vốn là hộ nghèo của xã, năm 2017 được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng rừng, nuôi lợn, nuôi gà. Tiền bán lợn, bán gà dùng để trả lãi hằng tháng, bán cây keo khi đến kỳ thu hoạch để trả gốc. Không chỉ thoát nghèo, tất cả những gia đình có được ngày hôm nay đều nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Cuộc sống dần sung túc, vợ chồng có việc làm, thu nhập ổn định.
Đến nay, khi đã có nguồn thu ổn định từ đàn ngựa, song anh Chu Văn Trình (thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) vẫn chưa thể nào quên lúc cầm trên tay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai ở đây rất phù hợp chăn nuôi các loại gia súc, vì vậy đã có nhiều hộ dân trong huyện đầu tư nuôi trâu, bò, dê, nhưng chăn nuôi ngựa như anh Trình thì đây là hộ đầu tiên. Khó chồng lên khó, nhưng khó khăn nhất đối với anh lúc đó là vốn.
Anh Trình chia sẻ: Trong lúc đang khó khăn vì không có vốn mua ngựa giống, tôi may mắn được Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu tạo điều kiện cho vay từ chương trình tín dụng chính sách. Nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, tôi cũng không có đàn ngựa này.
Những khoản vay ưu đãi đang lan tỏa khắp mọi vùng miền trong tỉnh, giúp người dân không bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo, nhân lên những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tập trung nguồn lực
Xác định việc phát triển sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để giúp người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Quảng Ninh luôn kiên trì với phương châm chuyển từ "cho không" sang cho vay, tạo nguồn lực trợ giúp phát triển sản xuất, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc sử dụng vốn.
Tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH ở cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, nhằm huy động sức mạnh của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo gắn tín dụng CSXH trong xây dựng các chương trình, kế hoạch và coi đó là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ đạo tập trung nguồn lực; chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển kinh tế.
Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huy động được các nguồn lực để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Cùng với các chương trình của Trung ương, trong từng giai đoạn cụ thể, tỉnh đã ban hành những chương trình đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương, hiện thực hóa các mục tiêu như: Cho vay trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 337/NQ-HĐND, cho vay hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
Trên cơ sở đó, Quảng Ninh quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai cho người dân vay vốn chương trình tín dụng chính sách. Tính đến nay, nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 1.025 tỷ đồng, chiếm 22% tổng nguồn vốn.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay tại 65 xã, thị trấn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, từng bước biến khát vọng thoát nghèo, làm giàu của người dân thành hiện thực, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, tỉnh đã bố trí 25 tỷ đồng trong năm 2023 để triển khai cho các hộ cận nghèo vay vốn tín dụng chính sách.
Ông Nịnh Văn Vùng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ, cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương, đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn vốn này đã thực sự là đòn bẩy để nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, làm giàu tên mảnh đất quê hương.
Thực tế cho thấy, vốn tín dụng chính sách đã khẳng định rõ nét vai trò là công cụ, giải pháp, nền tảng có tính lâu dài, bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu, kế hoạch của tỉnh về phát triển KT-XH, nhất là giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vốn tín dụng chính sách xã hội sẽ lan tỏa rộng hơn, sâu hơn, nhanh hơn tới mọi vùng miền của Quảng Ninh, từ đó, tiếp tục thắp sáng niềm tin ước mơ làm giàu chính đáng trên quê hương, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Trung Thành - Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()