Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:25 (GMT +7)
Động lực của Bí thư "dân tin, Đảng cử" trẻ tuổi ở Quảng Ninh
Thứ 2, 30/10/2017 | 15:05:09 [GMT +7] A A
Bí thư chi bộ thôn (khu) là đội ngũ cán bộ ở gần dân, sát với dân nhất trong hệ thống chính trị của Đảng ta hiện nay. Với quan điểm “dân có tin thì Đảng mới cử”, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn hoành việc nhất thể hóa trên 1.500 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (khu). Họ không chỉ là những đảng viên "miệng nói, tay làm" mà còn là những người "thổi lửa" các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa văn minh ở cơ sở, được người dân tin yêu. Trong số này, anh Lỷ A Tài, thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà là một trong những cán bộ trẻ tuổi nhất. Dù vậy, ở Mào Sán Cáu, mỗi câu nói, việc làm của Lỷ A Tài đều được bà con tin tưởng, nghe theo, làm theo...
Bí thư "miệng nói, tay làm"
Như lời hẹn với Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lỷ A Tài, chúng tôi đã lên thôn Mào Sán Cáu. Nắng tháng 10 vàng óng trải trên con đường từ trung tâm xã Quảng An lên thôn dài hơn 7km thảm bê tông phẳng lỳ. 2 bên đường những rừng quế lên xanh ngắt, hương quế thoang thoảng trong bầu không khí trong lành trên con đường lên bản vùng cao. Trước khi lên Mào Sán Cáu chúng tôi đã được nghe kể có được con đường bê tông thảm như dải lụa trắng giữa rừng quế xanh này có công sức rất lớn của Lỷ A Tài.
Đi cùng chúng tôi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quảng An, anh Lỷ Văn Thắng nói: Mào Sán Cáu là một trong những thôn xa nhất của xã Quảng An, do đường sá đã bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng, những đoạn đi qua hẻm giữa 2 khe núi mùa mưa bão bị sạt trượt, bà con sinh sống trong thôn do ngại đi lại nên có người cả năm không ra khỏi thôn, khi có công việc gì muốn truyền đạt đến bà con trong thôn rất khó. Cũng vì ít va chạm, giao tiếp nên tập tục sinh hoạt của bà con rất lạc hậu, đời sống khó khăn, số người biết tiếng Kinh rất ít. 90% số hộ trong thôn là hộ nghèo. Ấy nhưng từ khi đường được nâng cấp, cải tạo nếp ăn, nếp ở, suy nghĩ của bà con trong thôn thay đổi hẳn. Đàn bò, rừng quế của dân Mào Sán Cáu giờ sắp nhiều nhất xã rồi.
Câu chuyện về Lỷ A Tài, một Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn vô cùng hăng hái, nhiệt tình, biết cách làm việc, được bà con đồng bào dân tộc Dao yêu quý, tin tưởng càng khiến chúng tôi háo hức, mong nhanh được gặp Tài.
Anh Lỷ Văn Thắng kể: Khi làm Bí thư Chi đoàn của thôn, Tài đã hướng dẫn các hộ gia đình làm mô hình chăn nuôi vườn đồi. Rồi làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, để bà con hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước, Tài đã đến nhà từng hộ dân để trò chuyện, trao đổi với bà con kết hợp hướng dẫn thêm về cách ăn ở hợp vệ sinh, chăm sóc gia súc, gia cầm; mỗi khi nhà bà con trong thôn có việc, là Tài nhiệt tình đến giúp, không nề hà thời gian... Công việc "dân vận" diễn ra hằng ngày, người dân trong thôn đã quen với hình ảnh Bí thư thôn "miệng nói, tay làm", đến nỗi chỉ vài ngày không thấy Lỷ A Tài, bà con lại thấy "nóng ruột"...
"Con đường của lòng dân" ở Mào Sán Cáu. |
Đón chúng tôi tại nhà văn hóa thôn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lỷ A Tài cười bảo: Sáng nay có mấy việc ở thôn giúp bà con, tôi chỉ sợ đã hẹn với các anh chị lại tới trễ, may quá, thời gian vừa kịp.
Hỏi chuyện mới biết, có hộ gia đình, vừa nhận bò về nuôi mà bị nhiễm trùng chỗ bấm lỗ ở tai, bò cứ húc đầu vào chuồng không chịu ăn nên bà con gọi ngay cho Tài. Chúng tôi nói đùa, Bí thư Chi bộ ở thôn bản vùng cao thật lắm "vai", lúc là người tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; lúc lại là bác sĩ thú y; khi lại là cán bộ khuyến nông... thật là mệt!
Vậy là Tài xua tay, phân bua ngay: "Vài năm trở lại đây bà con mới dám nhận bò về phát triển mô hình, vì như trước, có hộ nhận về nhưng không biết cách chăm sóc, bò chết, người dân còn chẳng có tiền trả nợ mua con giống. Nhưng nếu không phát triển mô hình thì bao giờ bà con thoát nghèo? Tôi nghĩ thế nên khi làm công tác ở thôn, ngoài tìm hiểu thêm về công tác cán bộ thôn, tôi tự học các lớp về chăn nuôi bò sinh sản và áp dụng thử nghiệm ngay trên mô hình của gia đình để bà con tham khảo. Mình là người con của thôn bản, phải giúp bà con thay đổi nhận thức để tận dụng được chính sách ưu đãi của nhà nước mà phát triển kinh tế, thoát nghèo thôi. Cán bộ, là Đảng viên, phải làm trước để bà con theo chứ".
Có lẽ, từ suy nghĩ đó, mỗi việc làm của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lỷ A Tài luôn gắn với cuộc sống của bà con trong thôn. Năm 2013, Lỷ A Tài đã vận động bà con cùng chung sức sửa chữa những đoạn đường trong thôn bị hư hỏng nặng. Công việc “dân vận” ở vùng sâu, vùng xa vốn không dễ dàng, nhưng khi Tài vận động, bà con ủng hộ ngay.
Thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà đang dần "thay da đổi thịt" nhờ sự năng động Lỷ A Tài. |
Clip: Dân có tin, Đảng mới cử
[video(42105)]
Vừa vận động bà con tham gia ngày công sửa chữa tuyến đường vừa đi xin kinh phí tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, năm 2014, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri huyện Đầm Hà của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, lúc đó đang là Bí thư Chi đoàn của thôn nhưng Lỷ A Tài đã mạnh dạn xin gặp và đề xuất với Phó Thủ tướng về việc xin kinh phí hỗ trợ xây dựng con đường, phá thế khó cho Mào Sán Cáu. Vấn đề này cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý với địa phương ngay tại buổi tiếp xúc cử tri.
Giữa năm 2016, nhờ được thụ hưởng dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Nguồn vốn 135 của tỉnh, đường vào thôn Mào Sán Cáu được khởi công. Lúc này, bà con Mào Sán Cáu nghe theo Tài lại hồ hởi hiến đất 2 bên đường, tham gia ngày công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Con đường vào thôn vì thế mà hoàn thành rất nhanh. Có đường, việc đi lại của người dân dễ dàng, thuận lợi hơn, ai cũng biết ơn Lỷ A Tài.
Được biết, năm 2017, từ Nguồn vốn Chương trình 135 tiếp tục đầu tư 2 tuyến mương, đập cho thôn. Hiện các công trình này đã triển khai được 60% tiến độ. Vậy là Mào Sán Cáu lại có thêm “điểm tựa” để thoát nghèo. Không những vậy Lỷ A Tài còn là người có công đầu đưa các mô hình nuôi bò sinh sản về thôn để bà con áp dụng.
Clip: Tâm sự của Bí thư kiêm trưởng thôn trẻ tuổi
[video(42106)]
"Gốc của mọi công việc"
Từ khi có Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lỷ A Tài, Mào Sán Cáu – thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, đã có rất nhiều đổi khác. Những hộ gia đình hăng hái làm kinh tế hơn, thanh niên bớt chơi bời lêu lổng mà học Lỷ A Tài chăn nuôi, trồng trọt, an ninh thôn bản cũng được tăng cường, bộ mặt thôn, bản cũng nhiều đổi khác…
Như hộ gia đình anh Tằng Chi Hồng hiện đang phát triển mô hình nuôi bò sinh sản. Anh cho biết: "Ngày trước có hỗ trợ tôi cũng không dám nuôi bò vì sợ chết thì lại nợ tiền Nhà nước, nhưng nay, có hướng dẫn của Tài, tôi đã mạnh dạn mua 2 con bò để phát triển mô hình. Tài giỏi lắm, dạy tôi cách chăm sóc con bò sao cho khỏe mạnh, nhanh lớn, làm theo Tài chắc chắn sẽ thoát nghèo".
Lỷ A Tài là tấm gương làm kinh tế giỏi để bà con trong thôn noi theo. |
Tài kể với tôi: "Năm tôi 18 tuổi đã “thoát ly” lên Hà Nội tìm công việc. Tôi làm nhân viên thị trường của một số công ty, đơn vị được vài năm. Sau này, khi về địa phương, thấy thôn bản đất đai có, lại được thêm hỗ trợ từ chính sách phát triển sản xuất, rất thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế. Tôi nghĩ “có đất, có rừng, có quyết tâm” sao lại đói nghèo ngay trên chính quê hương mình? Bởi vậy, năm 2013, tôi quyết tâm về thôn phát triển mô hình nuôi dúi, gà. Về thôn 5 tháng thì được bầu là Bí thư Chi đoàn thôn. Đến năm 2014, tôi là công an viên của thôn. Trải qua 1 năm thử thách, phấn đấu, năm 2014, tôi đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến năm 2015(lúc đó anh Lỷ A Tài tròn 25 tuổi- PV), khi tỉnh có chủ trương thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn (khu), thôn Mào Sán Cáu là 1 trong hai thôn đầu tiên của xã thí điểm thực hiện mô hình mới này. Tôi đã được các cấp lãnh đạo, bà con trong thôn tín nhiệm, tin tưởng giao trọng trách là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Về sau tôi mới biết mình là một trong những Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng thôn trẻ nhất tỉnh".
Lúc được giao trọng trách, đối với Tài là một áp lực rất lớn. Nhưng như Tài chia sẻ, áp lực cũng là động lực để phấn đấu. Lúc đầu đảm nhận nhiệm vụ, ngoài lắng nghe những ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, Tài đã tìm hiểu, nắm rõ các nguyên tắc, điều lệ Đảng; nhiệm vụ của người trưởng thôn để thực hiện nhiệm vụ. Tập trung vào công tác vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hăng hái đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất… Tài nói: "Trọng trách đặt lên vai người trẻ như tôi, đó là cơ hội và sự tín nhiệm mà Đảng và người dân, cũng chính là động lực để phải cố gắng, nỗ lực. Tôi nghĩ, cái gì mình cũng phải làm trước, làm tốt, giúp ích cho cái chung, thì bà con sẽ tin tưởng".
Bằng nhiệt huyết và sự cần mẫn của tuổi trẻ, Lỷ A Tài cùng 1.500 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn của Quảng Ninh, đang góp phần làm đổi thay diện mạo những làng quê, thôn, bản nghèo. |
Như chuyện chuyển đổi phương thức sản xuất ở Mào Sán Cáu, trước kia bà con trong thôn không quan tâm mấy tới việc tăng gia sản xuất, chủ yếu chỉ chăn nuôi trồng trọt theo hướng tự cung tự cấp. Rất nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất 100% về vốn, lại phù hợp với đặc thù địa phương, nhưng bà con cũng không muốn nhận. Lúc đó, Lỷ A Tài lại “xắn tay áo”, vừa làm vừa chỉ dẫn cho bà con.
Từ năm 2015 đến nay, Lỷ A Tài đã đưa các mô hình nuôi lợn, bò về thôn để bà con học hỏi mô hình và áp dụng, qua đó, từng bước thay đổi tư duy của người dân trong thôn trong phát triển sản xuất. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mào Sán Cáu hiện nay đang tranh thủ theo học các khóa nuôi bò sinh sản tại Bắc Ninh. Tài bảo: "Khi đã nắm vững kỹ thuật, tôi sẽ về phát triển mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi quy mô, cùng hướng dẫn bà con cùng làm và tìm hướng bao tiêu sản phẩm. Như vậy Mào Sán Cáu mới thoát nghèo được...".
Qua mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Mào Sán Cáu lại giảm đi. Năm 2015, thôn có 29/47 hộ nghèo, đến tháng 10/2017, giảm 24 hộ, chỉ còn 5 hộ nghèo. Cũng trong giai đoạn 2015-2017, chi bộ thôn phát triển thêm 2 đảng viên. “Nếu tổ chức tốt khâu dân chủ ở cơ sở, đưa mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với người dân, để dân hiểu thì họ sẽ ủng hộ. Quan trọng hơn, mình nói được thì mình cũng phải làm được thì bà con mới chịu. Như vậy, việc khó đến mấy bà con cũng tham gia, cùng làm. Bên cạnh đó, theo tôi nghĩ, công tác Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh rất quan trọng. Bác Hồ nói "Cán bộ là gốc của mọi công việc", tôi luôn tâm niệm phải học theo lời dạy của Bác, để làm 1 cán bộ tốt, không phụ sự tin tưởng của Đảng và nhân dân khi tin và cử tôi” – Lỷ A Tài cho biết.
Chia tay Lỷ A Tài, chúng tôi thấy vui vì bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn "dân tin, Đảng cử" trẻ tuổi này đã và đang nỗ lực từng ngày để làm tốt vai trò của mình. Mừng hơn nữa, vì Tài cũng như hơn 1.500 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu đang là minh chứng sống động, khẳng định quyết tâm "đưa nghị quyết vào cuộc sống" của Quảng Ninh. Đó là Nghị quyết 19, Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, trong đó thực hiện nhất thể hóa chức danh chi bộ kiêm trưởng thôn, khu - những chủ trương xuất phát từ thực tiễn đời sống, nêu cao vai trò "cái gốc của công việc" và phục vụ cho lợi ích của đất nước, nhân dân. Từ đó, nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng.
Clip: Khát khao của cán bộ trẻ với bản làng
[video(42107)]
Hồng Nhung - Hùng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()