Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:22 (GMT +7)
Phát triển du lịch trải nghiệm vùng nông thôn
Thứ 4, 21/12/2022 | 06:02:00 [GMT +7] A A
Bắt nhịp xu hướng phát triển xanh, bền vững, du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều du khách yêu thích. Qua đó, tạo dấu ấn điểm đến đa dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những ngày cuối năm, làng hoa Hoành Bồ (TP Hạ Long) tấp nập khách qua lại mua sắm, tham quan, du lịch. Với gần 20 năm kinh nghiệm trồng hoa, anh Ngô Xuân Hải (phường Việt Hưng, TP Hạ Long) đã mạnh dạn chuyển đổi việc trồng, bán cây cảnh và hoa đơn thuần, sang mô hình du lịch canh nông phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng và thu mua các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, trong những ngày gần Tết Nguyên đán, nhiều hộ trồng hoa đã trang trí hàng nghìn cây hoa giấy ngũ sắc và các loại cây cảnh để phục vụ du khách đến thư giãn, ngắm hoa, cây cảnh.
Được biết, để gia tăng loại hình sản phẩm du lịch và giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhiều hộ đã đầu tư cải tạo đất vườn tạp để trồng ổi và bưởi năng suất và chất lượng cao; đào ao thả cá, quy hoạch lại vườn cây, xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm.
Không chỉ ở Hạ Long, huyện Bình Liêu cũng là địa phương phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các mô hình hợp tác xã nông nghiệp du lịch, từ đó, tạo thêm hướng phát triển mới, đa dạng cho du lịch Bình Liêu. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối đến các tuyến, điểm du lịch đã được hoàn thành đồng bộ, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được nâng cấp, trùng tu... tạo động lực quan trọng cho du lịch Bình Liêu phát triển.
Theo ông Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng thông qua duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch dựa trên khai thác cảnh quan thiên nhiên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở, Ngày hội Kiêng gió. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh như miến dong, cá nước lạnh, trồng hoa, tinh dầu hồi, quế... cũng phát triển hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn trở thành những điểm đến du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị dành cho du khách.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy thành quả từ xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, như: Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều), đồi chè xã Quảng Long (Hải Hà), trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ (TP Hạ Long), Khu trải nghiệm Song Hành Garden (TX Quảng Yên), vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn)...
Nhằm phát huy những thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp, tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Đến nay, 98/98 xã của Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 44 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 22 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ bộ mặt nông thôn hiện đại, khang trang, mở đường cho du lịch phát triển.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, các mô hình du lịch nông thôn còn khá nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là du khách quốc tế. Nhiều điểm du lịch nông thôn thiếu hệ thống hạ tầng, không có bãi đỗ xe, không có nơi nghỉ chân cho du khách. Một số mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước... chưa có sự liên kết chặn chẽ để tạo ra và phát triển các sản phẩm du lịch một cách chất lượng và chuyên nghiệp.
Nhằm phát huy những thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp, ngày 31/3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn lực dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, các địa phương, các chương trình, đề án và xã hội hóa. Tỉnh cũng đã đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đã được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai, tiếp tục tạo lực đẩy cho xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương khó khăn.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh. Thời gian tới, Sở chỉ đạo các địa phương xác định xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; chú trọng phát triển nền nông nghiệp xanh, hạn chế sử dụng hóa chất, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương; nhân rộng các loại hình trang trại thiên nhiên, trang trại hữu cơ, trang trại chuyên đề, vùng nông nghiệp canh nông... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua các cơ chế, chính sách, như: Xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững và nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư thích đáng cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch canh nông như đường, điện, nước sạch... Qua đó, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp, đóng góp vào ngành công nghiệp không khói, nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống nông dân.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()