Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:16 (GMT +7)
Dòng Ka Long xanh
Chủ nhật, 26/06/2022 | 13:53:38 [GMT +7] A A
Ở bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trên trái đất này, khi nhắc đến địa danh được coi là khởi nguồn cho không gian sống của mỗi cộng đồng dân cư, người ta thường gọi tên những dòng sông hiện hữu ở vùng đất đó. Sông là nguồn sống thiết yếu của con người, là chứng nhân của lịch sử, là cội nguồn văn minh.
Con người nương theo những dòng sông để sinh tồn, để dựng làng lập ấp, để giao thương đi lại, để chia vùng cát cứ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Dòng sông vì thế mà trở thành biểu tượng vô cùng đẹp đẽ và quan trọng trong tâm thức của mỗi người khi nhắc nhớ về nơi họ sinh ra, nơi họ đang sống hoặc đã đi qua. Ka Long cũng là một dòng sông như thế.
Sông Ka Long có chiều dài khoảng 109km, bắt nguồn từ dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam và đi qua phía Bắc các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái (Quảng Ninh). Dòng sông chảy theo chiều Đông Bắc, qua Cửa khẩu Bắc Phong Sinh khoảng 16km đến bãi Chắn Coóng Pha thuộc bản Thán Phún, xã Hải Sơn (Móng Cái) thì hợp lưu với sông Bắc Luân từ Trung Quốc chảy sang. Từ đây, Ka Long đổi hướng chảy về Đông và trở thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đến ngã ba Soáy Nguồn thuộc địa phận phường Ka Long (Móng Cái), sông lại chia thành 2 nhánh: Nhánh Bắc Luân tiếp tục chảy dọc theo biên giới hai nước, qua rìa phía Đông Bắc phường Hải Hòa, qua khu vực bãi Tục Lãm rồi đổ ra Vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc đảo Trà Cổ; nhánh Ka Long chảy xuôi Đông Nam vào giữa lòng thành phố.
Qua hết địa phận nội thành đến Thác Hàn, sông Ka Long tách thành 2 nhánh: Nhánh nhỏ gọi là sông Sau hay sông Xuân Ninh, chảy uốn lượn trong địa phận xã Hải Xuân rồi xuôi ra biển. Còn nhánh chính Ka Long ở lưu vực này (từ xưa còn có tên gọi là sông Thác Mang, sông Ninh Dương, sông Thác Hàn, sông Sĩ Hàn) đi hết địa phận đất liền thì đổ ra biển tại cửa Vạn Ninh thuộc khu vực giữa hai vùng Vạn Ninh - Bình Ngọc.
Do dòng chảy cũng như hành trình đặc biệt của mình, sông Ka Long được gọi là dòng sông biên giới. Toàn bộ đoạn sông Ka Long – Bắc Luân tạo thành đường biên giới Việt - Trung dài tổng cộng chừng 60 km. Bởi thế, có thể coi đây là đường biên giới tự nhiên bằng sông dài nhất Việt Nam. Nhưng để có được cái ranh giới xanh trong, uốn lượn mềm mại ấy, Việt Nam chúng ta đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức trong quá trình thỏa thuận, khảo sát để đi đến thống nhất và ký kết các Công ước, hiệp định phân định biên giới quốc gia ở khu vực này.
Trong cuốn hồi ký “Một thời Đông Bắc” của mình, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người từng có nhiều năm làm Trưởng ty Thủy lợi Quảng Ninh đã kể lại những chi tiết khá thú vị về các cuộc phân giới cắm mốc trên dòng sông Ka Long – Bắc Luân. Từ Công ước hoạch định biên giới Bắc Kỳ - Trung Quốc năm 1887, Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới năm 1895 giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh, đến Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1999, tất cả đều phải trải qua những ngày tháng rất căng thẳng, khó khăn, phức tạp, thậm chí có những giai đoạn, những điểm tranh chấp gay gắt, trải qua quá trình đàm phán dài và nhiều vòng mới đi đến ký kết thành công.
Cho đến nay, để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ từng tấc đất dọc theo đường biên giới tự nhiên này, Đảng bộ, chính quyền, quân đội và nhân dân các dân tộc Móng Cái vẫn ngày đêm tuần tra, kiểm soát và tìm mọi giải pháp chống xói lở, chống nắn dòng chảy, chống xâm lấn để bảo vệ dòng sông, giữ nguyên hiện trạng ranh giới như thuở ban đầu, để các cột mốc biên cương trên đất liền không bao giờ bị xê dịch, để cột mốc 1378 - cột mốc duy nhất nằm giữa sóng nước mênh mông trên hòn Dậu Gót nơi cửa sông đổ ra biển – luôn vững vàng và kiên trung ở đó, làm tiêu chiếu rọi và phân định chủ quyền vùng lãnh thổ, lãnh hải của nước ta.
Những câu chuyện kể liên quan đến chủ quyền biên giới chắc chắn sẽ còn tiếp tục nối dài, chảy liên tục theo dòng trôi của nước Ka Long – Bắc Luân. Con sông sẽ nhận, sẽ ôm trong lòng và lưu giữ lại tất cả những câu chuyện ấy, như một sứ mệnh cao cả được mặc định cho mình.
Nếu ở phía đầu nguồn và nhánh phía Bắc, sông Ka Long chứng kiến những sự kiện liên quan đến ranh giới, mốc cõi, thì với nhánh chảy về Nam, dòng sông lại là nhân chứng lịch sử cho những sự kiện chống quân xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia từ rất xa xưa. Móng Cái là cửa ngõ phên dậu vùng Đông Bắc Tổ quốc, lịch sử Móng Cái gắn liền với lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước đến nghìn năm Bắc thuộc và các triều đại phong kiến độc lập tự chủ của nước ta.
Sông Thác Mang thuở ấy (chính là sông Ka Long bây giờ) đã chứng kiến những trận đánh và chiến thắng oanh liệt trong lịch sử. Tiêu biểu phải kể đến trận Mũi Ngọc trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII, diễn ra ngay tại cửa Vạn Ninh, nơi sông Thác Mang đổ ra biển. Thủy quân ta dưới sự chỉ huy của Nhân Đức Hầu Trần Toàn đã che giấu chiến thuyền, đặt phục binh tại Mũi Ngọc và các đảo xung quanh.
Ngày Tân Sửu 15/11 (tức 20/12/1287), binh thuyền của Ô Mã Nhi vừa tiến vào cửa Vạn Ninh đã bị thủy quân ta từ các ngả xông tấn công quyết liệt. Bị đánh bất ngờ và dồn dập, nhiều thuyền giặc bị đắm, nhiều quân giặc chết chìm, quân ta bắt sống 40 tên và thu nhiều khí giới. Trận đánh tại cửa Vạn Ninh đã tiêu hao lực lượng địch khi chúng vừa đặt chân đến, góp phần cùng quân dân vùng Đông Bắc dưới sự lãnh đạo của tướng Trần Khánh Dư lập nên chiến thắng Vân Đồn, góp vào thắng lợi chung của quốc gia Đại Việt thời nhà Trần trong chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ ba.
Trong suốt chiều dài lịch sử còn được ghi chép lại từ trận chiến ấy, dòng Ka Long đã chứng kiến biết bao dấu mốc, sự kiện quan trọng của quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước và xây dựng, kiến thiết quê hương ở vùng đất địa đầu Tổ quốc này. Những chuyến đò bí mật lặng lẽ chở cán bộ cách mạng đi lại, hoạt động trên khắp địa bàn Móng Cái, trong các thôn xã nội thị rồi ra các đảo Vĩnh Thực, Trà Cổ cùng nhiều nơi khác khắp vùng Đông Bắc, những trận đánh du kích dựa vào con nước lên xuống vẫn được nhân dân truyền miệng kể cho nhau nghe là những minh chứng sống động cho điều đó.
Không chỉ là nhân chứng của lịch sử và quá trình phát triển của vùng đất, con người Móng Cái, gắn với dòng sông Ka Long còn là những di chỉ, những trầm tích văn hóa từ ngàn xưa. Ai đó đã từng nói rằng: Dòng sông chảy đến đâu, sự sống sẽ sinh sôi đến đó. Những con sông có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với việc hình thành, kiến tạo các nền văn hóa, văn minh.
Sông Ka Long cũng vậy, ở lưu vực của nó có một vùng đất cổ gắn với sự phát triển loài người từ những buổi sơ khai, ấy là Vạn Ninh. Nơi đó, người ta đã tìm thấy những di chỉ tiêu biểu cho nền văn hoá thời kỳ hậu đồ đá mới (mà các nhà chuyên môn còn gọi là "Nền văn hoá Hạ Long") ở Gò Thoi Giếng, Gò Ông Tổng, Dốc Bà Mừng. Những dấu hiệu ấy khẳng định từ thời tiền sử cách đây 5-6 nghìn năm, người Việt Cổ đã xuất hiện và sinh sống tại nơi này.
Thời Lý – Trần, Vạn Ninh cũng từng là một thương cảng tiền tiêu sầm uất, nơi giao thương quan trọng của các tàu buôn nước ngoài, kết nối với thương cảng Vân Đồn của nước ta lúc bấy giờ. Những dấu tích còn lại được khai quật tại khu vực cánh đồng Ngà còn cho phép các nhà nghiên cứu kết luận chắc chắn rằng: Vạn Ninh đã từng là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn, tồn tại liên tục trong nhiều năm.
Dọc theo sông Ka Long, nhiều nơi trên địa bàn Móng Cái trước đây cũng từng có những cơ sở sản xuất gốm sứ, thời kỳ hoàng kim nhất phát triển thành một nhà máy và nhiều lò sản xuất thủ công, khiến Móng Cái được coi là một trung tâm gốm sứ của đất nước với nhiều sản phẩm mang những đặc trưng riêng, ẩn chứa nhiều thông điệp quý giá từ quá khứ.
Chiến tranh biên giới năm 1979 làm cho toàn bộ Thị xã Móng Cái tan hoang, những cơ sở gốm sứ cũng không còn. Cũng từ đó người ta không còn thấy sản phẩm gốm sứ Móng Cái xuất hiện trên thị trường nữa. May ra, dưới lòng sông Ka Long hiền hòa và sâu lắng kia có còn chút gì được lưu giữ chăng?
Mặc cho những biến thiên của thời gian, những vật đổi sao dời và bao thăng trầm của cuộc sống, dòng Ka Long vẫn mải miết trôi, vẫn cần mẫn bồi đắp phù sa cho ruộng nương đôi bờ xanh mướt, cho phố thị ngày càng trù phú, sung túc, đông vui. Khi Móng Cái trở thành một thành phố cửa khẩu quốc tế sầm uất, dòng Ka Long trở thành con đường nội thủy huyết mạch giữa lòng đô thị, ngày ngày tấp nập đò máy chở đầy hàng hóa ngược xuôi.
Khi con người bị cuốn vào cái mải mốt, hối hả của cuộc mưu sinh trên sông, Ka Long như người mẹ cần mẫn và tận tụy, cứ lặng lẽ vắt kiệt sức mình chẳng kể ngày đêm. Nhưng những khi nhịp sống đôi bờ bình lắng, ta lại thấy Ka Long đẹp dịu dàng và xanh trong, mơn mởn như cô gái đương tuổi xuân thì, thảnh thơi lững lờ trôi, mặc phố xá và những cây cầu cong cong soi bóng lung linh trên mặt nước.
Tất cả những điều đặc biệt ấy chính là lý do vì sao người Móng Cái yêu và tự hào về Ka Long đến thế. Đó cũng là lý do để bất cứ ai đến với thành phố biên cương này đều không thể không đến với dòng sông. Đến để tận mắt thấy và hiểu hơn sứ mệnh thiêng liêng cao cả đặc biệt của nó, đến để lắng mình bên triền sông, đứng trên những cây cầu và tận hưởng cảm giác bình yên, cảm nhận dòng Ka Long xanh đẹp đến nhường nào!
Ghi chép của Đặng Thị Thúy
Liên kết website
Ý kiến ()