Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:23 (GMT +7)
Đồng hành tuyên truyền về di sản Yên Tử
Chủ nhật, 16/06/2024 | 13:12:50 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 3 khu di tích Quốc gia đặc biệt là Yên Tử, Bạch Đằng và khu di sản nhà Trần tại Đông Triều nằm trong Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Quần thể di sản Yên Tử) đang đề cử tới UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đứng trước cơ hội nâng tầm quốc tế cho Yên Tử, các địa phương, đơn vị trong vùng di sản đã và đang tích cực đồng hành trong tuyên truyền về quần thể di sản với nhiều cách làm khác nhau.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), Sở VH-TT Quảng Ninh phối hợp với Sở VH-TT&DL hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ đã tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về Quần thể di sản Yên Tử. Qua đây, hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ban quản lý các di tích, đại diện Giáo hội Phật giáo, các doanh nghiệp, cộng đồng người dân địa phương của 3 tỉnh, đã được cung cấp những thông tin toàn diện để có những hiểu biết sâu sắc hơn về Yên Tử, về lịch sử và những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, về câu chuyện mà di sản để lại cho các thế hệ mai sau cũng như cho nhân loại.
Tham gia hội nghị này, ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang, cho biết: Thời gian qua, Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với Quảng Ninh và Hải Dương trong việc xây dựng hồ sơ di sản đề cử. Các cơ quan chính quyền, cộng đồng vùng di sản có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thời gian qua. Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cộng đồng địa phương tiếp tục chỉnh trang các di tích, cộng đồng sẽ tiếp tục nhận diện di sản và xác lập các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng các giải pháp quản lý để ngày càng phát huy tốt giá trị di sản, tạo ra sức lan toả không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới…
Quảng bá rộng rãi về các giá trị của di sản đề cử, ngay từ trung tuần tháng 2/2024, Sở VH-TT đã có công văn đề nghị Sở VH-TT&DL Bắc Giang và Hải Dương, UBND các địa phương trong vùng di sản của Quảng Ninh là Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên cũng như các ngành, đơn vị có liên quan khác trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền sâu rộng về các giá trị của Yên Tử. Đối tượng tuyên truyền bao gồm lãnh đạo các cấp của 3 tỉnh, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý các di tích, chính quyền địa phương, lực lượng tăng ni, phật tử, thủ từ, thủ đền, đại diện các tổ chức doanh nghiệp, người dân sống trong khu vực di sản.
Là cơ quan truyền thông chủ đạo của Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có những kế hoạch truyền thông đặc biệt, mang tính chuyên đề cao về Quần thể di sản Yên Tử trên tất cả các hạ tầng của đơn vị. Cho tới nay, nhiều tác phẩm đã được đăng tải, phát sóng, truyền tải các nội dung một cách sinh động, dễ hiểu về các giá trị đặc biệt, nổi bật của di sản tới đông đảo người dân, du khách bốn phương. Theo kế hoạch, việc tuyên truyền sẽ kéo dài, trước hết là trong năm nay cho tới khi hồ sơ di sản được UNESCO xem xét, thẩm định tại kỳ họp vào năm 2025 tới đây.
Uông Bí sở hữu Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử, là hợp phần quan trọng bậc nhất nằm trong quần thể di sản đề cử. Nơi đây gắn liền với sự nghiệp tu hành đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng được xem là kinh đô của Phật giáo Trúc Lâm nước Đại Việt dưới thời Trần. Nhằm khẳng định niềm vinh dự, tự hào cũng như để các giá trị của Yên Tử thấm sâu vào các tầng lớp cán bộ, nhân dân địa phương, trong tháng 5 vừa qua, Uông Bí đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng “Tự hào và trách nhiệm khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới” tới từng chi bộ, tổ chức đoàn thể và lan toả sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng không đứng ngoài cuộc. Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội, chia sẻ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng như tăng, ni, phật tử nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, bổn phận của mình trong quá trình Yên Tử đang được đề cử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Chúng tôi xác định, nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hội và tăng ni là phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn tốt những di sản quý báu của cha ông ta còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Thứ hai là thực hiện nếp sống tu đạo đúng với tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thánh tăng đi trước để lại, để chúng ta không chỉ bảo tồn mà còn góp phần phát huy, lan toả tinh thần quý báu ấy một cách sống động trong đời sống hôm nay. Tăng ni, phật tử phải nhận thức rõ trách nhiệm là người kế thừa, được giữ gìn và thực hành di sản quý báu đó để thực hiện tốt các khuyến cáo của UNESCO cũng như quy định của Luật Di sản văn hoá. Thứ ba là tăng ni, phật tử phải có trách nhiệm giáo dục, quảng bá cho phật tử, tín đồ, du khách, nhân dân nhận thức được giá trị quý báu của di sản, đồng thời phải làm tốt hơn, đẹp hơn để tu bồi di sản của chúng ta…
Như vậy, cho tới nay, các địa phương, đơn vị đều đã và đang vào cuộc mạnh mẽ trong việc gìn giữ và tuyên truyền, lan tỏa giá trị di sản của Yên Tử. Đây thiết nghĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của Quảng Ninh nói riêng và của mỗi địa phương trong vùng di sản nói chung.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()