Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:50 (GMT +7)
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt "bão Covid-19"
Thứ 3, 31/08/2021 | 07:34:35 [GMT +7] A A
Doanh nghiệp là nền tảng quan trọng của sự phát triển, tuy nhiên lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đang cần thêm sự tiếp sức, đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn để có thể vượt qua "bão Covid-19".
Những chiếc "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh. Xác định rõ những khó khăn trong công tác thu NSNN, ngay từ đầu năm 2021, Cục Thuế Quảng Ninh đã chủ động đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến nhiệm vụ thu NSNN theo các kịch bản tăng trưởng.
Một trong những giải pháp trọng tâm để tiếp sức cho doanh nghiệp, Cục Thuế và các chi cục thuế khu vực đã nhanh chóng triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Ông Nguyễn Chí Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Uông Bí - Quảng Yên, cho biết: Ngay sau chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh, đến nay Chi cục đã thực hiện gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho trên 160 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh với tổng số tiền là 39 tỷ đồng.
Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động, sáng tạo, sau gần 3 tháng triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngành Thuế tỉnh đã hỗ trợ gần 1.500 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền gia hạn trên 800 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, cho biết: Do dịch Covid-19, thị trường xây dựng trầm lắng, doanh thu bán hàng của Công ty giảm sút, phát sinh nhiều chi phí phòng chống dịch. Trước khó khăn đó, Công ty đã được ngành Thuế gia hạn thuế giá trị gia tăng 5 tháng, thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng, tiền thuê đất 6 tháng với tổng số khoảng 60 tỷ đồng.
Ngành Thuế hiện đã phối hợp với các địa phương rà soát danh sách 624 hộ kinh doanh thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Ngân hàng CSXH Quảng Ninh đã bố trí cán bộ tiếp cận tuyên truyền, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, Ngân hàng đã giải ngân cho 14 doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% với số tiền 2,36 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 229 người lao động. Mới đây, ngân hàng đã giải ngân cho 9 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên địa bàn TP Hạ Long - đối tượng đang chịu tổn thất nặng nề nhất của dịch bệnh.
Đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ trên 57.700 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn, cho biết: 2 năm qua, HTX phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm chuyến, bù lỗ, lao động bị nghỉ việc. Vừa rồi HTX đã được vay 83,3 triệu đồng với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho 11 lao động.
Cần thêm sự hỗ trợ
Dịch kéo dài từ năm 2020 đã tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu, vốn là thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có thể “chạm” đến các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, mà nguyên nhân là ở những quy định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến cho toàn bộ lĩnh vực dịch vụ của Công ty phải hoạt động cầm chừng, không có doanh thu, nhiều lao động phải nghỉ việc. Chúng tôi đã làm hồ sơ để được vay vốn lãi suất 0% theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, chúng tôi và nhiều đơn vị khác lại đang gặp vướng mắc do chưa có xác nhận quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 quy định tại điểm g, mục 1, Điều 40, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Thêm vào đó, thời gian cho vay vốn hỗ trợ quá ngắn, chỉ trong 3 tháng, trong khi đó dịch còn kéo dài, sẽ khiến doanh nghiệp chưa thể ổn định.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tàu du lịch chịu ảnh hưởng sâu hơn do những chi phí vẫn phát sinh khi phương tiện nằm tại chỗ: Nhân viên để trông coi; tiền lương, tiền ăn, tiền đóng bảo hiểm, trung bình mỗi nhân viên hàng triệu đồng, kèm các loại chi phí như đăng kiểm, bến bãi, duy trì bảo dưỡng...
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, chia sẻ: Vì lâm vào cảnh khó khăn, nhiều chủ tàu đã phải bán nhà, xe, tàu... để xoay xở, song cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chính sách hỗ trợ giãn nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN chỉ áp dụng đến hết ngày 31/12/2021, khiến doanh nghiệp chưa đủ khoảng thời gian để khôi phục hoạt động, chưa có nguồn thu để trả gốc và lãi vay.
Trước khó khăn của các tàu du lịch hiện nay, ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, đề xuất: Để các doanh nghiệp có thể phục hồi, các bộ, ngành trung ương và địa phương sẽ tiếp tục cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ thêm 3 năm sau khi công bố hết dịch. Đồng thời, xem xét cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động để có thể phục hồi sau thời gian dài dịch bệnh.
Ông Trần Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, cho rằng: Các tỉnh phía Nam chiếm tới 60% doanh thu bán hàng của công ty. Điều này tác động tiêu cực đến doanh thu, dòng tiền và kinh doanh. Để góp phần ổn định sản xuất, giảm áp lực cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thời gian nộp thuế kéo dài sang năm 2022.
Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hạ Long, đề xuất: Chúng tôi mong muốn tỉnh và các cấp, ngành xem xét cho phép lái xe chở hàng hóa vào Quảng Ninh có kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 72 giờ, thay cho 48 giờ hiện nay, để đảm bảo cho các phương tiện có thể vận chuyển hàng hóa.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()