Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:23 (GMT +7)
Đóng góp của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA
Thứ 2, 21/02/2022 | 17:30:31 [GMT +7] A A
Việt Nam rất khéo léo trong việc đưa ra quan điểm, lập trường trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và cũng đã hỗ trợ các nước trong việc giải quyết các vấn đề như an ninh hàng hải.
Trang moderndiplomacy.eu đã đăng bài viết đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Sau đây là nội dung bài viết:
Việt Nam đã tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021 và trong giai đoạn này, Việt Nam đã được kỳ vọng sẽ đưa ra các vấn đề liên quan đến phát triển khu vực, các thách thức liên quan đến đại dịch, xây dựng sự đồng thuận về các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải và khu vực.
Trong một phát biểu của đại diện Việt Nam thường trực tại Liên hợp quốc, ông đã nêu rõ rằng Việt Nam có thể đảm bảo sự hợp tác từ các thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến tính khách quan, sự thống nhất và tính minh bạch, và trình bày cụ thể những vấn đề về lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Việt Nam mong muốn đưa đến cho Liên hợp quốc một phương thức tiếp cận lấy con người làm trung tâm, nhấn mạnh đến việc tìm kiếm các giải pháp hợp lý và bền vững để giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại, đồng thời nêu rõ các thách thức nhân đạo đối với các nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội trên toàn thế giới.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam cũng rất có tiếng nói liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng đối với sinh kế của người dân.
Trong một thông điệp được Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sau khi Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có nêu rõ rằng Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ, đáp ứng niềm tin được cộng đồng quốc tế giao phó sau khi nhận được 192 trong số 193 phiếu bầu để đảm bảo một vị trí trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông nêu rõ Việt Nam luôn nhấn mạnh đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời kêu gọi các quốc gia xây dựng sự đồng thuận liên quan đến đại dịch và hậu quả do COVID-19 gây ra.
Trong cuộc họp về an ninh hàng hải, Việt Nam cũng đề xuất ba biện pháp quan trọng bao gồm sự tham gia của các tổ chức quốc tế trong các vị trí xảy ra xung đột khu vực, thực hiện các biện pháp tham vấn thông qua các cơ chế đối thoại và nhấn mạnh cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm để bảo vệ cộng đồng sống ở các vùng ven biển.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định rằng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế cần được bảo vệ mọi lúc.
Trong hai năm làm việc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề ra chính sách đối ngoại của mình theo hướng tự cường, thúc đẩy hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia, củng cố các cấu trúc đa phương và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Trong thông điệp của mình, ông cũng cho biết Việt Nam hiện đã trở thành một bên tích cực và có trách nhiệm hơn trong đối thoại quốc tế và sẽ đảm nhận các trách nhiệm nhằm củng cố các tổ chức như Liên hợp quốc.
Việt Nam cũng đang tham vọng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và thịnh vượng vào năm 2045 khi Việt Nam sẽ kỷ niệm một trăm năm ngày độc lập.
Sự khéo léo của cơ quan ngoại giao Việt Nam và các tổ chức đảng đã giúp nâng cao tầm vóc quốc tế của Việt Nam và tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia đại diện tại Liên hợp quốc.
Việt Nam kiên định chủ trương vì một thế giới không còn chiến tranh và xung đột, đồng thời xây dựng mục tiêu chung là hòa bình quốc tế cùng với xóa bỏ đói nghèo và bất bình đẳng.
Trong thời gian giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 4/2021, Việt Nam đã thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và nêu bật những vấn đề mà nhân loại cùng quan tâm.
Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, đồng thời giải quyết một trong những vấn đề quan trọng về bom mìn chưa nổ và hậu quả của vật liệu nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh thế giới.
Việt Nam đã nhấn mạnh vấn đề tôn trọng và thừa nhận luật pháp quốc tế và tuân thủ các nội dung theo Công ước UNCLOS 1982.
Trên thực tế, Việt Nam cũng nêu vấn đề về phụ nữ trong các khía cạnh hòa bình và xung đột và những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại các khu vực xung đột.
Trong thời gian Việt Nam giữ vai trò chủ tịch, ảnh hưởng của đại dịch là thực sự rất lớn và trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thể hiện sự khôn khéo trong ngoại giao qua việc việc thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế do các điều kiện của đại dịch.
Trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam đã tìm kiếm các khả năng liên quan đến việc tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tuyến và trực tiếp và do đó kinh nghiệm của Việt Nam rất hữu ích trong việc giúp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng nhau tìm kiếm khả năng của các hoạt động theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Việt Nam đã nêu ra những câu hỏi rất xác đáng liên quan đến việc bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng trong các khu vực xảy ra khủng hoảng.
Một trong những thành tựu quan trọng được ghi nhận trong nhiệm kỳ của Việt Nam là việc thông qua Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Điều này đã được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ủng hộ hoàn toàn và nghị quyết đã được thông qua trên toàn thế giới.
Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh nhằm nhắc nhở tất cả các tổ chức bao gồm cả khu vực tư nhân và nhà nước trong việc chuẩn bị để giải quyết bất kỳ khoảng trống nào trong việc đề phòng và phối hợp cũng như nâng cao nhận thức của người dân.
Danh sách các ưu tiên mà Việt Nam đưa ra cho nhiệm kỳ 2020-2021 chủ yếu tập trung vào giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, tăng cường thực hiện chương VI của Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết hậu quả của xung đột vũ trang, hợp tác trong xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và nêu bật các giải pháp thực tế trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế.
Nhìn chung, có thể nói rằng Việt Nam đã rất khéo léo trong việc đưa ra quan điểm, lập trường trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng đã hỗ trợ các nước như Ấn Độ trong việc giải quyết các vấn đề như an ninh hàng hải ở cấp độ toàn cầu.
Điều này đã tạo ra rất nhiều lợi ích và nhận được sự ủng hộ của quốc tế, từ đó góp phần vào việc thông qua các quy định và chương trình nghị sự chung trong tương lai để bảo vệ người dân toàn cầu./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()