Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:22 (GMT +7)
Đồng Đình - Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá Tày
Chủ nhật, 03/09/2023 | 14:06:33 [GMT +7] A A
Ngoài điều kiện thuận lợi về giao thông, tự nhiên, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ có 100% người dân là dân tộc Tày, còn bảo lưu nhiều nét văn hóa đặc trưng nên đã được Tiên Yên lựa chọn để xây dựng làng văn hóa.
Đề án "Xây dựng làng văn hóa dân tộc Tày", trên tinh thần tập trung vào việc bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị từ nhà ở, phong tục tập quán... đến các trò chơi, lễ hội của cộng đồng người Tày thôn Đồng Đình. Cách đây 4 năm, Khu văn hóa thể thao dân tộc Tày thôn Đồng Đình được đưa vào sử dụng, với quy mô 1,7ha gồm: Nhà văn hóa với kiến trúc truyền thống nhà sàn, bãi đỗ xe và nhiều hạng mục khác với tổng đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng. Khu văn hóa thể thao dân tộc Tày đã phục vụ tốt cho việc tổ chức lễ hội hằng năm, đồng thời phát huy, giữ gìn văn hóa dân tộc Tày.
Bên cạnh đó, xã Phong Dụ cũng vận động nhân dân xây mới nhà ở các vị trí khác hoặc xây dựng theo mô hình nhà truyền thống của người dân tộc Tày. Đối với các nghề thủ công truyền thống lâu đời như: Nuôi tằm dệt vải, mộc... xã cũng đang tiếp tục hỗ trợ người dân duy trì thông qua các dự án.
Trước đây, bản người Tày sinh sống, có ngôi đền cổ gọi là đình Đồng Đình. Theo cuốn “Lịch sử xã Phong Dụ” tập 1, thì đình Đồng Đình có từ thời vua Gia Long đầu thế kỷ 19, do một quan khâm sai đại thần có tên là Lê Bắc Kỳ trấn an vùng Đông Bắc lập nên. Hiện nay, ngôi đình chỉ còn dấu tích để lại là một ngôi miếu nhỏ và bờ tường rêu phong. Trên khu vực nền đình mọc lên cụm cây si, tán si xòe rộng hàng ngàn mét vuông tạo cảnh quan xanh tươi. Cây si đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.
Về không gian trưng bày, thực hiện đề án xây dựng Làng văn hoá dân tộc Tày, xã Phong Dụ đã sưu tầm, vận động nhân dân hiến tặng nhiều nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt của người Tày. Sau đó, các hiện vật đã được bố trí thành những không gian khác nhau để tạo điều kiện cho du khách dễ tham quan theo chuyên đề, góp phần giới thiệu lan toả văn hoá người Tày đến với công chúng.
Theo lời kể của những người cao tuổi sống tại thôn, từ những năm 30 của thế kỷ trước, ở Phong Dụ đã thường xuyên diễn ra lễ hội đình Đồng Đình. Tuy nhiên sau này, do chiến tranh, loạn lạc nên việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn. Mãi đến năm 2015, lễ hội mới được khôi phục lại vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Lễ hội đình Đồng Đình được phục dựng và duy trì thường xuyên từ đó đến nay đã làm phong phú thêm văn hóa địa phương. Lễ hội đình Đồng Đình với hồn cốt là hội Lồng tồng (hội xuống đồng) mang nét đặc trưng của dân tộc Tày gồm các nghi lễ đặc trưng như: Lễ lảu then, dâng hương, cúng thần và phần hội gồm thi đấu đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, thi gói bánh Tày, trưng bày mâm cỗ, trình diễn trang phục dân tộc.
Lễ hội đã tái hiện nghi thức lễ cầu mùa, trích đoạn “Lảu then” - một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày trong kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam. Phần hội diễn ra các hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; thi gói bánh cốc mò nhân hồng; nặn bánh lá ngải... Đặc biệt, sau này, trong lễ hội đình Đồng Đình, người ta còn tổ chức cuộc thi chèo bè mảng trên sông Đồng Đình thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia hưởng ứng.
Lễ hội đình Đồng Đình vào dịp đầu xuân hàng năm nhằm bảo tồn những nét văn hóa đẹp của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn huyện; góp phần quảng bá, tuyên truyền để nhân dân và du khách hiểu sâu sắc thêm về dân tộc Tày trên địa bàn huyện Tiên Yên. Đồng thời, thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc. Đây cũng là dịp để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với điểm du lịch tâm linh đình Đồng Đình, tham quan và tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi cửa ngõ miền Đông của tỉnh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()