Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:22 (GMT +7)
Đồng chí Vũ Văn Hiếu - Bí thư đầu tiên của Đặc khu uỷ Khu mỏ Quảng Ninh
Chủ nhật, 02/02/2020 | 08:02:40 [GMT +7] A A
Trong chặng đường đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Quảng Ninh đã có nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Tiêu biểu là đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu uỷ Khu mỏ Quảng Ninh.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/03/1907, quê ở ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương (nay là xóm 10, xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ngày 29/09/1928, Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Bắc Kỳ quyết định cử cán bộ, hội viên đi “Vô sản hoá” ở các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, trong đó có khu mỏ Hòn Gai. Tháng 10/1929, đồng chí Vũ Văn Hiếu được Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Hòn Gai giao nhiệm vụ thử thách và đến tháng 11/1929, đồng chí trở thành đảng viên cộng sản, bí danh là Sơn, sinh hoạt tại Chi bộ Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu - Núi Béo.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ở khu mỏ, cuối tháng 2/1930 đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê, sau đó các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông cũng lần lượt được thành lập. Lúc này, đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công phụ trách công tác in ấn tài liệu, công tác kinh tế và trực tiếp phụ trách cơ sở ở Hà Tu của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Hòn Gai.
Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh. |
Tháng 04/1930, Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả và Đảng uỷ Uông Bí - Vàng Danh được thành lập, đồng chí Vũ Văn Hiếu được cử làm Bí thư Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả. Đồng chí và Đảng uỷ vừa thành lập đã chuẩn bị cho một cao trào đấu tranh mạnh mẽ trong toàn khu mỏ, mở đầu là cuộc bãi công ngày 08/04/1930 của công nhân nhà sàng Cửa Ông chống đuổi thợ, chống đánh đập, giảm giờ làm ca đêm, tăng tiền lương 20%. Cuối cùng, bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương cho công nhân, cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ phong trào công nhân toàn khu mỏ.
Đêm ngày 17/05/1930, mật thám Pháp đã bắt đồng chí Vũ Văn Hiếu và 4 đảng viên khác nhưng do không đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho đồng chí.
Sau khi ra khỏi nhà giam, đồng chí Vũ Văn Hiếu bắt tay vào việc khôi phục cơ sở, gây dựng lại phong trào. Tháng 09/1930, cấp trên quyết định tách Đảng uỷ Hòn Gai - Cẩm Phả thành hai Đảng uỷ, đồng chí Vũ Văn Hiếu được điều ra Cẩm Phả làm Bí thư Đảng uỷ Cẩm Phả - Cửa Ông. Mặc dù bị địch phá hoại nặng vào giữa tháng 05/1930, nhưng đến đầu tháng 10/1930, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã lãnh đạo và chỉ đạo phục hồi nhanh chóng cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng ở vùng Cẩm Phả - Cửa Ông.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã quyết định thành lập ở Khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Đảng bộ Đặc khu uỷ mỏ Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả được thành lập và đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư Đặc khu uỷ.
Ngày 09/02/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng uỷ Cẩm Phả - Cửa Ông. Ngày 13/05/1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xử tại Hội đồng Đề hình Hà Nội cùng với hơn 40 cán bộ, đảng viên khác; chúng đã kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố và đầy ra nhà lao Côn Đảo.
Tháng 11/1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do cùng gần 200 người khác. Ra tù được ít ngày, đồng chí đã quyết định ra mỏ tìm lại cơ sở cũ, tuy nhiên, mật thám Pháp đã không cho đồng chí đặt chân lên đất mỏ, đồng chí phải trở lại Hà Nội hoạt động.
Ngày 01/09/1939, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp trở mặt, đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương. Trước tình hình mới, Đảng ta chủ trương đưa mọi tổ chức vào hoạt động bí mật. Thời gian này, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ giúp việc cho Tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Cừ. Cuối năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương lần thứ 6, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.
Đêm ngày 17, rạng ngày 18/01/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Thiện Tấn, Phạm Chương, Phan Văn Voi… Tám tháng tra tấn ròng rã nhưng không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng, giặc Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xét xử cùng với một số đồng chí khác. Không có đủ chứng cứ để kết trọng tội nên tháng 09/1940, Toà tiểu hình Sài Gòn xử và kết án đồng chí Vũ Văn Hiếu 5 năm tù lưu đày, tháng 10/1940, Toà án binh thường trực Sài Gòn lại xử, kết án thêm 5 năm lưu đày. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Ra Côn Đảo, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi, được cơ sở bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng. Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng”.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi đời tại nhà tù Côn Đảo. Ghi nhận công lao đóng của đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2015, Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Vũ Văn Hiếu.
Ngày 05/11/2016, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu đã được tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khánh thành, trong quần thể Công viên hoa Lán Bè, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách thăm viếng.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()