Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:26 (GMT +7)
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão tại Vân Đồn và Cẩm Phả
Thứ 4, 11/09/2024 | 16:15:00 [GMT +7] A A
Ngày 11/9, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên vùng biển thuộc địa bàn huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả.
Theo thống kê sơ bộ của huyện Vân Đồn, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, với ước tính thiệt hại khoảng trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng; cá biển trên 500 tỷ đồng; hải sản khác gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.
Còn tại TP Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Sau bão, người dân huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả tập trung đi kiểm tra, tận thu những loại thủy sản còn sót lại; thu vớt phao HDPE trôi nổi trên biển; sửa chữa, gia cố lại các lồng bè hư hỏng.
Kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và trò chuyện với các hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng cảm, chia sẻ với khó khăn mà các gia đình bị thiệt hại; đồng thời, động viên các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn trong thời điểm này, bình tĩnh, nhanh chóng khôi phục lại nuôi trồng đối với những lồng bè còn sót lại, có thể sửa chữa, nuôi tiếp.
Đồng chí nhấn mạnh, thiệt hại về tài sản của người dân trong nuôi trồng thủy sản do bão là rất lớn, nặng nề. Vì vậy, chính quyền huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả cần động viên kịp thời, tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; bảo vệ phần tài sản còn lại của người dân, giúp người dân khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân.
Với số lượng lồng bè, giàn nuôi hàu của người dân bị thiệt hại lớn, đồng chí yêu cầu 2 địa phương hướng dẫn các hộ dân và bố trí lực lượng hỗ trợ thu gom, trục vớt, tránh để gây ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến các tuyến, luồng đường thủy nội địa, quốc gia qua địa bàn. Đối với những phương tiện thủy bị vỡ, đắm, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vì dầu loang, 2 địa phương cần triển khai ngay việc trục vớt, khoanh vùng, không để ảnh hưởng đến môi trường biển.
Để đảm bảo công tác nuôi trồng thủy sản được bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, yêu cầu 2 địa phương trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là quy hoạch nuôi biển và các định hướng phát triển kinh tế biển, cần xây dựng giải pháp tổng thể để khôi phục nghề nuôi biển theo hướng bền vững hơn, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()