Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:52 (GMT +7)
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân: Tấm gương mẫu mực suốt đời noi gương học tập Bác
Thứ 5, 12/01/2023 | 15:33:51 [GMT +7] A A
Sáng 12/1, tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) diễn ra lễ viếng đồng chí Nguyễn Thọ Chân, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, nguyên Bí thư Khu uỷ Hồng Quảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Trưởng ban tổ chức lễ tang là đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, làm Trưởng đoàn, đã dự lễ truy điệu, viếng đồng chí Nguyễn Thọ Chân.
Thay mặt Ban Tổ chức Lễ tang đọc lời điếu, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trọn đời theo cách mạng với 102 tuổi đời, 85 năm tuổi Đảng, hai lần bị giặc bắt tù đày, đồng chí Nguyễn Thọ Chân vẫn giữ vững tinh thần ý chí cách mạng. Được giao nhiều trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng ở cương vị nào đồng chí cũng đem hết tâm sức phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ý chí nghị lực, lòng trung thành dũng cảm của đồng chí là biểu tượng cao đẹp của người cộng sản, thực sự là tấm gương sáng ngời về nhân cách làm người, đạo đức cách mạng cho các thế hệ nối tiếp, noi theo.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến viếng đã ghi vào sổ tang: “Cháu đến viếng chú, một người lãnh đạo lớp tiền bối, với tình cảm sâu sắc và sự ngưỡng mộ, kính trọng. Cả cuộc đời chú đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau. Ở mỗi vị trí đều để lại dấu ấn sâu sắc".
Lúc 11 giờ 15 phút, sau lễ truy điệu, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, tại Nghĩa trang thành phố (TP Thủ Đức).
Trên 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thọ Chân là tấm gương cống hiến và hy sinh không ngừng nghỉ. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã nhiều lần bị địch bắt giam, tù đày tại các nhà tù: Hỏa Lò, Côn Đảo, Chí Hòa, Khám lớn Sài Gòn.
Đồng chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng trao nhiều cương vị quan trọng như: Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Việt Minh tỉnh Gia Định; Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Liên Xô, kiêm nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Thụy Điển; Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ và Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương; Bộ trưởng Bộ Lao động; Trưởng ban Thi đua Trung ương và Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua toàn quốc…
Dù ở cương vị nào, đồng chí luôn là một đảng viên kiên trung, người lãnh đạo mẫu mực, sâu sát cơ sở, quyết đoán, nghiêm khắc trong công việc, chí tình, chí nghĩa với đồng chí, đồng đội.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Đàm kể lại: Lúc ông Thọ Chân về Hồng Quảng, tôi còn đang học ở Liên Xô cũ. Tuy vậy, nhưng anh em cũng vẫn thường liên lạc điện thoại hỏi thăm nhau. Sau này, tôi về nước tuy đã là lãnh đạo tỉnh đi học nhưng về rồi lại được điều sang làm Bí thư Đảng ủy của Liên hiệp Than Hồng Gai. Nghĩa là về phương diện nào đó, tôi bị xuống chức. Chính ông Nguyễn Thọ Chân đã kéo tôi về lại UBND tỉnh, làm phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh giúp việc cho ông Hoàng Chính, rồi làm Chủ tịch UBND tỉnh thay ông Chính. Trong công việc, ông Nguyễn Thọ Chân là người điều hành quán xuyến, làm đến nơi, đến chốn. Tôi luôn xác định mình là học trò của ông ấy, đi theo ông ấy để học hỏi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đàm, đồng chí Nguyễn Thọ Chân là người có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc kiến thiết Vùng mỏ, xây dựng ngành Than sau thời kỳ tiếp quản, làm hậu phương chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Bí thư Nguyễn Thọ Chân cùng với tập thể lãnh đạo tỉnh đã giải quyết căn bản vấn đề khó khăn lương thực cho nhân dân và công nhân Vùng mỏ. Thậm chí, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Thọ Chân đã đi vay tiền cho đóng mới những con tàu đánh cá để cải thiện bữa ăn có thêm đạm cho công nhân mỏ.
"Ông Nguyễn Thọ Chân là cựu tù chính trị Côn Đảo kiên trung. Ông ấy là người trung thực, thẳng thắn, không tơ hào một chút của chung, sống với đồng đội, đồng chí rất trọn vẹn nghĩa tình. Nhưng ông ấy cũng là người chịu học hỏi dễ dàng tiếp cận những cái mới” - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm xúc động kể.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân là người nhiều lần được gặp, tiếp xúc và tháp tùng Bác Hồ. Học lối sống giản dị của Bác Hồ, mấy chục năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Thọ Chân vẫn tích cực rèn luyện thân thể và trí óc bằng cách đọc sách, báo hay viết lách, làm thơ. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân luôn tâm đắc và thường xuyên răn dạy, nhắc nhở con cháu rằng: “Cái giản dị của Bác, chúng ta phải học cả một đời!”.
Với đồng chí Nguyễn Thọ Chân, đã sống là luôn lao động và cống hiến. Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh luôn tự nhận rằng, bản thân sống được đến ngày nay, trong không khí hòa bình là nhờ vào công ơn của Đảng và suốt đời học tập Bác. Ví von bài học dành cho mỗi người bằng hình ảnh phân số, đồng chí phân tích: “Giá trị con người giống như một phân số. Tử số là giá trị nhân dân đánh giá, mẫu số là anh tự đánh giá mình. Nếu dân đánh giá anh được 10, anh tự đánh giá cũng 10 thì giá trị của anh là 1. Nếu dân đánh giá anh 10 mà anh tự đánh giá mình là 100 thì giá trị của anh chỉ còn là 0,1. Thế thì anh phải xem lại mình”.
Đại Dương - Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()