Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:36 (GMT +7)
Dòng chảy của 'hương ước'
Thứ 5, 24/08/2023 | 07:38:57 [GMT +7] A A
Giữ vai trò như những "quy định nội bộ" về các nguyên tắc ứng xử để điều chỉnh các hành vi, hoạt động của con người và cộng đồng, các hương ước đã từng tồn tại rất lâu tại các làng xã Việt Nam trong lịch sử, đặc biệt là khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Và thực tế, dù cuộc sống hiện đại có nhiều biến đổi, xã hội vẫn rất cần có những hương ước ấy, để kế thừa những nét tích cực từ truyền thống.
1. Câu chuyện này lại được bàn đến trong tọa đàm "Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam: Một số vấn đề liên quan tới đình làng", do CLB Đình làng Việt tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, với diễn giả chính là PGS.TS. Bùi Xuân Đính (nguyên cán bộ Viện Dân tộc học).
Theo những chia sẻ tại tọa đàm, hương ước xưa thường tập trung vào 4 nội dung chính: Quy ước liên quan đến thiết chế tổ chức xã hội và các quan hệ xã hội trong làng; Bảo vệ an ninh cộng đồng; Đảm bảo đời sống tâm linh cộng đồng; Đảm bảo các nghĩa vụ sưu thuế, binh dịch với nhà nước. Bên cạnh đó, một số làng bổ sung thêm các nội dung khác như lập quỹ tế thương, quỹ khuyến học…
Các quy ước trong hương ước thường rất cụ thể, quy định nghĩa vụ của từng cá nhân, từng thiết chế tổ chức đối với các mặt đời sống cộng đồng.Các thành viên trong làng, dù là nông dân, thợ thủ công, các quan viên, chức dịch, kỳ mục đều phải tuân thủ chúng.
Đặc biệt, những điều khoản trong hương ước liên quan đến ngôi đình thường góp phần rèn giũa, tạo dựng ý thức của cá nhân trước tập thể. Chẳng hạn, đó là nghĩa vụ trong việc xây dựng và tu bổ đình, tổ chức thờ cúng, phục vụ tế lễ, tổ chức các trò diễn vào ngày hội làng. Rồi, mỗi thành viên khi vào đình đều phải biết vị thế của mình, được ngồi đâu, ăn nói như thế nào, những điều gì là bị cấm kị... để từ đó giữ tư cách, danh dự của cá nhân hay dòng tộc.
Thực tế, hương ước không bao gồm tất cả các tục lệ, quy ước của làng xã, mà chỉ bao gồm những tục lệ thiết thân nhất với cộng đồng làng xã ở thời điểm nhất định.Và theo thời gian, có những quy định trong hương ước tồn tại từ đời này sang đời khác, được người dân trong làng luôn tuân thủ làm theo, nhưng cũng có hương ước phải bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp.
Chẳng hạn, tại một làng ở ngoại thành Hà Nội từng có quy định "luật bất thành văn" rằng, ngoại trừ một dòng họ lớn có công hiến đất xây đình và các "quan chức cấp cao" thì không ai được bước qua cửa chính giữa cổng tam quan để vào đình. Quy định này tất nhiên không còn phù hợp với thực tế đời sống sau đó.
2. Theo phân tích của PGS.TS. Bùi Xuân Đính, cho tới trước tháng 8/1945, hương ước tại Việt Nam có thể được chia làm 2 giai đoạn phát triển.
Cụ thể, tới trước tháng 8/1921, hương ước đều do các làng tự soạn thảo dựa theo đặc điểm về cơ cấu tổ chức, vấn đề thờ thần, cùng một số vấn đề khác. Tùy điều kiện kinh tế, xã hội của từng làng, hương ước sẽ có số lượng điều khoản nhiều hay ít với trật tự sắp xếp khác nhau, không theo quy luật nào.
Còn trong giai đoạn từ tháng 8/1921 đến 8/1945, lấy lý do những kẻ giàu có trong làng thường kết bè, lũng đoạn quyền lợi và áp chế dân lành, thực dân Pháp đề ra chính sách cải lương hương chính (nhưng thực chất là muốn thắt chặt quản lý cấp làng xã hơn nữa). Họ đề ra bản hương ước mẫu gồm 2 phần - chính trị và phong tục - và ép các làng xã phải theo hương ước này. Đến đây, tính tự chủ, đa dạng trong hương ước của làng xã dần mất đi. Nhưng về phần phong tục thì do các phong tục tập quán của các làng Việt vốn hình thành từ rất lâu đời, nên người Pháp rất khó để cải tổ. Thay vào đó, họ chỉ đưa ra một số điều khoản chung chung, mang tính chất khuyên răn các làng xã thực hiện theo.
Dẫu vậy, bên cạnh thực thi hương ước mẫu do Pháp ban hành, vẫn có một số làng soạn thảo ra hương ước riêng biệt. Ví dụ như làng Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) soạn ra bản hương ước riêng vào năm 1939.
3. Đáng nói, trong bối cảnh hiện nay, cấu trúc của các làng xã đã biến đổi rất nhiều so với trước. Vì thế, hương ước cũng cần sửa đổi để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Thực tế, từ năm 1990, sau một quãng thời gian bị đứt gãy văn hóa,nhiều làng xã đã soạn lại hương ước. Cùng lúc đó, ngành văn hóa cũng đưa ra hương ước mẫu, để các làng lấy đó làm căn cứ.
Dù vậy, trong một chừng mực, hương ước mẫu cũng tồn tại một số nhược điểm như đưa ra nhiều chỉ tiêu, kế hoạch phát triển, nhắc lại pháp luật một cách khô cứng. Đồng thời, tại một số địa phương, hương ước của làng cũng sao chép y nguyên hương ước mẫu, mà hầu như không sửa đổi, bổ sung nhiều. Điều này dẫn đến hương ước các làng na ná nhau, mà thiếu đi đặc trưng riêng của từng làng.
Nhiều chuyên gia đồng thuận với quan điểm: Việc đưa ra một mẫu hương ước chung sẽ không hợp lý bằng việc đưa ra những định hướng và nội dung cơ bản, để từ đó các làng vận dụng.
Cụ thể, hương ước cần được soạn thảo theo hướng bổ sung cho pháp luật, đồng thời làm nổi bật tính riêng của từng cộng đồng, thay vì nhắc lại văn bản mẫu. Tính riêng ấy cần căn cứ vào các yếu tố lịch sử, truyền thống lịch sử văn hóa, điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư, việc tổ chức thờ thần, phong tục tập quán, hệ thống di tích thờ tự, lễ thức riêng, trò diễn riêng trong hội làng được hình thành và truyền thừa qua nhiều đời....
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()