Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:14 (GMT +7)
Đồng bộ quy hoạch đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị
Thứ 7, 19/08/2023 | 15:50:59 [GMT +7] A A
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ đạo quy hoạch chi tiết phải đồng bộ giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị, đảm bảo gom khách, gom hàng.
Chạy tàu khách xuyên tâm, khai thác riêng biệt tuyến khách, hàng
Hôm 18/8, tại trụ sở UBND TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đồng chủ trì cuộc họp góp ý báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Tư vấn lập quy hoạch cho biết, hiện khu vực đầu mối TP.HCM có một tuyến đường sắt Thống Nhất Hà Nội - TP.HCM; phạm vi đầu mối từ Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đi Hòa Hưng (ga Sài Gòn) có chiều dài gần 50km, đường khổ hẹp 1.000mm, qua 8 ga. Các thiết bị dọc tuyến và các ga đã cũ, lạc hậu, tốc độ chạy tàu rất thấp, giao cắt đồng mức nhiều dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông trong đô thị.
ưu lượng hành khách các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh và từ các tỉnh phía đông, phía tây về thành phố và ngược lại rất lớn. Do đó, để giải quyết ách tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố, theo tư vấn, cần có nhà ga trung tâm và các tuyến đường sắt xuyên tâm, tàu nội - ngoại ô, tàu liên vùng để phục vụ hành khách đi lại thuận tiện trong nội đô và giữa nội đô và ngoại ô. Tổ chức chạy tàu khách, tàu hàng trên các tuyến đường sắt riêng biệt.
Trên cơ sở đó, tư vấn đề xuất bổ sung các tuyến, đoạn tuyến đường sắt khu vực đầu mối: Bổ sung tuyến đường sắt TP.HCM - Tây Ninh, trong đó bổ sung nhánh kết nối với tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo hướng từ Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đi Mộc Bài.
Bổ sung tuyến xuyên tâm chạy tàu đường sắt đô thị, tàu nội - ngoại ô An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên. Trong đó đoạn An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) dài khoảng 14km, depot tại Bình Triệu theo quy hoạch trước đây di dời về khu vực An Bình/Sóng Thần (tỉnh Bình Dương). Đoạn Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên dài khoảng 15,7km. Cùng đó, bổ sung đoạn Thủ Thiêm - Tân Kiên, chiều dài 28km; đoạn tuyến kết nối với ga Trảng Bom.
Về quy hoạch và phân bổ chức năng các ga, tư vấn đề xuất ga Sài Gòn là ga khách trung tâm, ga An Bình là ga lập tàu hàng, tàu khách cho toàn mạng. Cùng đó, ga Trảng Bom là hàng lập tàu hàng phía bắc hỗ trợ cho ga An Bình; ga Tân Kiên là ga trung tâm phía nam, chức năng ga kĩ thuật hành khách, ga hành khách và ga hàng hóa; ga Thủ Thiêm là ga trung tâm đầu mối tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; ga Thạnh Đức là ga nối ray xuống cảng Hiệp Phước, cảng Long An, là ga hàng hóa phía nam trong giai đoạn đến năm 2050.
Quy hoạch chi tiết, giữ đất cho đường sắt
Góp ý vào báo cáo đầu kỳ, các đại biểu đến từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM, các đơn vị đường sắt cho rằng, cần nghiên cứu, xác định rõ các phân khu chức năng, nhu cầu chi tiết sử dụng đất trong quy hoạch để làm căn cứ quy hoạch đất. Đồng thời đồng bộ với quy hoạch địa phương để bố trí quỹ đất, nguồn vốn thực hiện và các hạ tầng, phương tiện kết nối...
Ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt VN đề nghị tư vấn nghiên cứu kĩ phương án bố trí ga đầu mối, nhất là phương án chạy tàu khách An Bình - Hòa Hưng (ga Sài Gòn) khi đề xuất tàu đường sắt quốc gia hiện hữu dừng tại ga đầu mối An Bình, từ An Bình vào trung tâm bằng đường sắt đô thị.
Mặt khác, hiện lượng khách về ga Sài Gòn lớn, ngày cao điểm dịp vận tải tết bình quân khoảng 10.000 hành khách lên xuống tàu/ngày, còn ngày cao điểm hè khoảng 6.000-7.000 hành khách. Khi đề xuất phương án tàu dừng tại An Bình, cần tính toán phương án giải tỏa lượng khách này về trung tâm thành phố, tránh ách tắc.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đề xuất nghiên cứu tuyến TP.HCM - Mộc Bài vào quy hoạch một cách cụ thể, kết nối ray với Campuchia. Từ đó tiến hành cắm mốc giới để giữ đất cũng như có hướng phát triển đô thị.
Đối với các đoạn tuyến kết nối, cần có cơ chế tạo nguồn đầu tư. Có thể hai địa phương phối hợp đầu tư hoặc phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện đầu tư, tránh gò bó như cơ chế hiện nay là đường cao tốc, đường quốc lộ, đường sắt quốc gia phải đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, các đề xuất tư vấn đưa ra hiện đang trong giai đoạn xin ý kiến báo cáo đầu kỳ, sẽ cần nghiên cứu tiếp. Do đó, tư vấn cần phối hợp với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai cập nhật tiếp.
Ông Cường thông tin, hiện TP.HCM đang xây dựng đề án tập trung phát triển, hoàn thiện cơ bản mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2035, trong đó tập trung làm các tuyến còn lại với tổng chiều dài hơn 200km, định hướng huy động nguồn lực qua mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
Khi quy hoạch chi tiết tuyến, ga đường sắt quốc gia, có cập nhật, đồng bộ quy hoạch đường sắt đô thị của thành phố, thành phố sẽ đưa vào quy hoạch thành phố, “khoanh vùng” đất khu ga đầu mối, từ đó đấu thầu hoặc đấu giá để tạo nguồn lực giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng quy hoạch treo.
Phó chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị tư vấn đánh giá các đoạn đường sắt kết nối, xác định rõ là đường sắt quốc gia hay đường sắt đô thị, hay khai thác lưỡng dụng. Đồng thời, phải giảm tối đa việc phải chuyển tàu, tạo thuận lợi cho hành khách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, quy hoạch chi tiết phải đồng bộ giữa đường sắt quốc gia với hệ thống đường sắt đô thị và các phương thức vận tải khác của địa phương, để đảm bảo gom hành khách và hàng hóa, đặc biệt là tại các khu ga đầu mối.
Thứ trưởng yêu cầu tư vấn rà soát, cập nhật lại thông tin, số liệu đầu vào, đảm bảo đầy đủ, chính xác để làm cơ sở nghiên cứu đề xuất quy hoạch; cập nhật quy hoạch của tỉnh, tính toán dự báo lại.
“Nghiên cứu đề xuất công nghệ kĩ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính mở để đảm bảo kết nối thuận lợi, hiệu quả giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia.
Đối với các ga, phải đảm bảo chức năng, kết nối vận tải, đặc biệt là đề xuất của các địa phương về phương thức vận tải để gom hàng hóa tại ga đầu mối”, Thứ trưởng Huy nhấn mạnh và yêu cầu tư vấn, Cục Đường sắt VN phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện báo cáo.
Theo Báo Giao thông
Liên kết website
Ý kiến ()