Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:48 (GMT +7)
Đồng bộ các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
Thứ 6, 18/02/2022 | 10:16:46 [GMT +7] A A
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 2 con số trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất ổn do chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19. Điều này đặt ra cho mỗi sở, ngành, địa phương của tỉnh cần phải chủ động, tập trung, nỗ lực, quyết liệt ngay từ sớm trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Không “ngủ quên” trên chiến thắng
Năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức đã được khép lại, tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 10,28%, nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Không “ngủ quên” trên chiến thắng, trước những tác động ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, từ cuối năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình thực tế, điều kiện thuận lợi, khó khăn của tỉnh, từ đó ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mục tiêu được xác định duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số trong năm 2022.
Cụ thể hóa mục tiêu của các Nghị quyết đã được xác định, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, chủ động đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) và cơ cấu kinh tế từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2022, đảm bảo mục tiêu, lộ trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đối với xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (Văn bản số 8693/UBND-TH4 ngày 2/12/2021) nêu rất rõ, các ngành, lĩnh vực cần đánh giá cụ thể bối cảnh, yếu tố thuận lợi, khó khăn, bổ sung năng lực tăng thêm, dự kiến mục tiêu tăng trưởng và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng khu vực kinh tế, đặc biệt cần chú ý các giải pháp tăng trưởng trong các lĩnh vực than, điện, xi măng, chế biến chế tạo, thu hút vốn FDI. Đến nay kịch bản này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/1/2022, với đầy đủ các mục tiêu, giải pháp được giao cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 được hoạch định với mức tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực và theo từng quý. Theo đó, quý I phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,71%, trong đó giá trị tăng thêm của khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng 3,05%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 10,26%, khu vực III (dịch vụ) tăng 10,64%; thu ngân sách nhà nước đạt 10.815 tỷ đồng.
Quý II phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 10,79%, trong đó giá trị tăng thêm của khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng 4,35%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 11,14%, khu vực III (dịch vụ) tăng 12,17%; thu ngân sách nhà nước đạt 13.929 tỷ đồng.
Quý III phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 11,65%, trong đó giá trị tăng thêm khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng 4,23%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 11,92%, khu vực III (dịch vụ) tăng 13,1%; thu ngân sách nhà nước đạt 13.223 tỷ đồng.
Quý IV phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12,17%, trong đó giá trị tăng thêm khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng 5,87%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 14,1%, khu vực III (dịch vụ) tăng 11,99%; thu ngân sách nhà nước đạt 14.633 tỷ đồng.
Từ những mục tiêu cụ thể được đặt ra, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 11,15%, trong đó giá trị tăng thêm khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng 4,5%; khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 12,01%; khu vực III (dịch vụ) tăng 12,03%; thuế sản phẩm tăng 7,95%; thu ngân sách nhà nước đạt 52.600 tỷ đồng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), cho biết: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong năm 2022 hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí có thể cao hơn khi mà tỉnh đã hoàn toàn triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và một loạt các công trình giao thông trọng điểm đưa vào khai thác như, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu. Đồng thời, một số công trình khởi công mới năm 2022 sẽ tạo ra các cơ hội thu hút các nhà đầu tư phát triển các KKT, KCN theo định hướng của tỉnh.
Quyết liệt ngay từ ngày đầu năm
Bám sát nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của quý I/2022, các cấp, ngành đã đồng loạt triển khai những giải pháp ngay từ ngày đầu năm mới gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực. Trong đó đã tận dụng hiệu quả các cặp cửa khẩu, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân; nghiên cứu, từng bước mở lại hoạt động dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh tại các khu di tích, danh thắng, khu du lịch được xác định trọng điểm của tỉnh…
Với những biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm, kết thúc tháng 1/2022, KT-XH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% so với cùng kỳ, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,43%, công nghiệp khai khoáng tăng 6,29%; tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tăng 10%, doanh thu vận tải tăng 18%, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 4%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 4.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng chững lại. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể, phục hồi KT-XH. Do đó, một số ngành, lĩnh vực sẽ được tập trung thực hiện ngay sau kỳ nghỉ Tết, như phục hồi, phát triển ngành du lịch, dịch vụ; thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KKT; giải ngân vốn đầu tư công.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các địa phương, sở, ngành không tổ chức chúc Tết, đi lễ hội mà vận hành ngay cơ chế làm việc bình thường, kịp thời giải quyết ngay những công việc tồn đọng trong những ngày Tết, đáp ứng kịp thời kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu trong buổi gặp mặt CBCCVC ngày mùng 6 Tết, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, CBCCVC và người lao động trong tỉnh hãy bắt tay ngay vào công việc với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả; tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa phương thức làm việc phù hợp tình hình mới đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tuyệt đối không để đình trệ công việc, không để lỡ hẹn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến lợi ích của nhân dân trong thời gian sau Tết. Từng sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh, thực hiện bằng được mục tiêu đề ra.
Nhờ tỷ lệ bao phủ diện rộng vắc xin mũi 3, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịch, với quyết tâm thu hút từ 9,5-10 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022. Đặc biệt ngày 11/2, UBND tỉnh đã chủ động có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch đề nghị hỗ trợ tỉnh trong việc mở cửa, phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết: Việc Quảng Ninh sớm mở cửa du lịch trở lại là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Tổng cục Du lịch hoàn toàn đồng thuận với những đề nghị của tỉnh và sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, đưa hình ảnh du lịch Quảng Ninh trên các hạ tầng, nền tảng truyền thông uy tín, hiệu quả.
Ở các đơn vị ngành Than, với mục tiêu trong năm 2022 sẽ sản xuất trên 42 triệu tấn than, ngay từ những ngày đầu năm, mặc dù xuất hiện những ca lây nhiễm Covid-19 trong các phân xưởng sản xuất song với cơ chế vận hành thích ứng linh hoạt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh than vẫn được duy trì, đảm bảo sản lượng khai khác và xuất bán theo kế hoạch. Đặc biệt trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, tại cảng Cẩm Phả, TKV đã tổ chức rót hơn 26.000 tấn than tiêu thụ đầu tiên của năm mới Nhâm Dần. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, cho biết: Toàn bộ cán bộ, công nhân và người lao động TKV bước vào thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022 với một tâm thế mới, khí thế mới, năng lượng mới, khát vọng mới cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, 100% đơn vị sản xuất của TKV trở lại hoạt động bình thường với ý chí quyết tâm đạt năng suất, hiệu quả ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.
Trong các KCN, KKT tỉnh, ngay từ ngày mùng 6 Tết, gần như 100% doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường trở lại, với trụ cột chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự kiến trong quý I/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh sẽ tăng 7,1% do được bổ sung giá trị từ 6 dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: Dự án Jinsung Hitec Vina, Dự án Nhà máy ZKM Vina, Dự án Idear, Dự án Nhà máy Lioncore tại KCN Đông Mai, Dự án công nghiệp tấm Silic Jinko Solar tại KCN Sông Khoai, Dự án Nhà máy Dệt kim tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Với sự chủ động kịch bản tăng trưởng kinh tế từ xa, từ sớm, tỉnh Quảng Ninh đang thực sự làm chủ trong quá trình phục hồi, phát triển KT-XH năm 2022, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tiếp tục duy trì, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()