Tất cả chuyên mục

Liên tục từ năm 2011 đến nay, Sở TN&MT đều có giải pháp tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh và đoạt giải. Các giải pháp khoa học này đều có tính thực tiễn cao, được áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, bảo vệ môi trường. Tại Hội thi lần này, Sở có 4 giải pháp tham gia, gồm: “Sử dụng gối bông để thấm hút dầu từ nước thải la canh của các tàu, thuyền nhỏ”; “Giải pháp thiết kế nhà cấp 4 tái định cư (diện tích 60m2=5x12) tiện nghi, giá rẻ, đẹp, hợp phong thuỷ cho người dân sau khi Nhà nước thu hồi đất ở, góp phần ổn định cuộc sống và sản xuất”; “Giải pháp quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường” và “Mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác quy mô cụm hộ gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thu Hà, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thuỷ văn, Bí thư Đoàn Thanh niên Sở TN&MT, cho biết: Tham gia Hội thi STKT hàng năm đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, được lãnh đạo cơ quan tin tưởng giao cho Đoàn Thanh niên đảm nhận. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá, nhận xét, phân loại thi đua hàng năm đối với các đoàn viên. Thông qua tham gia các hội thi, nhất là Hội thi STKT tỉnh, đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua, tạo động lực, phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo KHKT của cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên; nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi cán bộ, nhân viên đơn vị.
![]() |
Đồng tác giả, chị Trần Thu Hà và anh Lê Quốc Hưng trao đổi về việc tham gia Hội thi STKT tỉnh lần thứ V. |
Mặc dù công việc khá bận rộn, nhưng chị Trần Thu Hà vẫn sắp xếp dành thời gian, cùng hai đồng nghiệp trong phòng nghiên cứu, xây dựng giải pháp “Mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác quy mô cụm hộ gia đình”, là một trong 4 giải pháp của Sở tham gia Hội thi lần này. Chị chia sẻ: Trong quá trình công tác, nhất là mỗi lần đi cơ sở, chị nhận thấy việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề bức xúc của nhiều khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Một số địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai áp dụng một số mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt cho hộ gia đình. Tuy nhiên, các mô hình này chưa đầy đủ, độc lập, không phải ở đâu cũng áp dụng được, mà chỉ có thể áp dụng ở các nơi đã được đầu tư xây dựng các lò đốt rác tập trung để chuyển rác vô cơ về đây đốt. Trong khi hầu hết các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo trong tỉnh chưa có hệ thống lò đốt rác tập trung.
Trước thực trạng này, chị Trần Thu Hà cùng hai đồng tác giả là Hoàng Thị Hồng Hạnh và Lê Quốc Hưng đã nghiên cứu, tham khảo tài liệu, đến tận các thôn, bản ở các xã miền núi, hải đảo để tìm hiểu, từ đó xây dựng giải pháp mang tính toàn diện, giải quyết dứt điểm, triệt để những hạn chế của các mô hình thu gom, đốt rác trước đây. Sau một thời gian nghiên cứu, chị Trần Thu Hà và các đồng nghiệp đã thiết kế, xây dựng một mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác cho cụm hộ gia đình, trên cơ sở kế thừa các ưu điểm và khắc phục tồn tại của các mô hình trước đây, đảm bảo các yếu tố phù hợp về kỹ thuật xây dựng và môi trường. Mô hình gồm 4 hợp phần: Giải pháp thu gom, xử lý rác vô cơ (lò đốt rác quy mô cụm hộ); giải pháp thu gom, xử lý rác hữu cơ (hố chôn rác tự hoại); giải pháp thu gom, lưu giữ túi nilon và chất thải nguy hại; giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, xử lý rác hợp vệ sinh (sổ tay tuyên truyền và tờ rơi).
Anh Lê Quốc Hưng, một trong đồng tác giả của giải pháp cho biết: Sau khi mô hình được thí điểm tại xã Quảng Long (huyện Hải Hà) phát huy hiệu quả đã tiếp tục được nhân rộng tại xã Bản Sen (huyện Vân Đồn), xã Thống Nhất (huyện Hoành Bồ) và đang được tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh. Qua triển khai ở các địa phương, giải pháp cho thấy hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Hơn nữa, chi phí xây dựng lò đốt rác khá rẻ, chỉ từ 3-3,5 triệu đồng/lò, dùng cho cụm dân cư từ 10 đến 15 hộ gia đình. Giải pháp đã góp một phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu của tỉnh.
Phạm Hoạch
Ý kiến ()