Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 23:53 (GMT +7)
Đón thời cơ mới, hút dòng vốn đầu tư nước ngoài
Thứ 5, 04/06/2020 | 16:24:22 [GMT +7] A A
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tuy có xu hướng sụt giảm trong những tháng đầu năm nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn ghi nhận dòng vốn đầu tư tích cực từ nước ngoài dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy trong tháng 5/2020, cả nước đã thu hút được 1,55 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng các nguồn vốn này đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,31 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,45 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 325 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 176 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 133 dự án… Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố, trong đó Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 13,9% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với 1,6 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án thì thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 450 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 258 dự án, Bắc Ninh đứng thứ ba với 78 dự án…
Cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài |
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội, thậm chí là cơ hội “vàng” trong thu hút vốn FDI trước làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới từ các nước. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, đây là điều kiện tiên quyết để có thể mở cửa nền kinh tế trở lại sớm với mức độ thiệt hại thấp hơn các quốc gia khác cũng như cơ hội thu hút làn sóng FDI mới.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, có một điều chắc chắn là sẽ có sự chuyển dịch đầu tư của chuỗi cung ứng trong sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sáng các nước đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam. Với vị trí địa chính trị thuận lợi thì rõ ràng đây là một cơ hội vàng cho Việt Nam. Chính phủ đã có những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc này, có khả năng một lần nữa chúng ta bỏ lỡ cơ hội “vàng” đang đến rất gần.
“Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư ở các địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng” - ông Lê Viết Hải nói và cho rằng, Chính phủ cần tạo môi trường đầu tư tổng thể thực sự hấp dẫn và cạnh tranh hơn so với những quốc gia tiềm năng khác hiện đang cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Indonesia, Myanmar…
Liên quan đến thủ tục xin cấp phép đầu tư và kinh doanh, ông Fred Burke, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho rằng, nhiều quốc gia nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Singapore, châu Âu... vẫn còn đang bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc lấy tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi ở các nước này đang là một thách thức và điều này trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình khoảng 2 tháng.
Mặc dù đây không phải là vấn đề của Việt Nam, song vấn đề này đang trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do thực tế các cơ quan hành chính của Việt Nam chưa có sự linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa các yêu cầu về hành chính này. Bên cạnh đó, hiện nay, các cơ quan chức năng khác nhau chịu trách nhiệm về các khâu khác nhau trong thủ tục cấp phép tại Việt Nam không có đủ cơ sở dữ liệu chung hay phương thức phù hợp để trao đổi thông tin với nhau.
“AmCham đề xuất Chính phủ tiếp tục xây dựng hệ thống ứng dụng trực tuyến mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng áp dụng các tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp theo cho Việt Nam” - ông Fred Burke nhấn mạnh.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài được nhận định là một trong 5 “mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế. Theo đó, việc chuẩn bị tốt các điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng là vấn đề quan trọng hiện nay.
Theo Quỳnh Nga/congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()