Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:22 (GMT +7)
Đón Tết, vui Xuân an toàn, đảm bảo sức khỏe
Thứ 6, 03/01/2025 | 08:12:10 [GMT +7] A A
Đến hẹn lại lên, vào đầu tháng Chạp, thị trường thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán bắt đầu sôi động, nhu cầu hàng hóa Tết của người dân tăng cao. Lợi dụng sự sôi động của thị trường, nhiều mặt hàng thực phẩm bẩn, không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái… cũng tìm cơ hội luồn lách vào thị trường.
Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã có kế hoạch đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025 nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đồng thời đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, đảm bảo sức khỏe…
Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo quản lý về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm, các cửa khẩu, các chợ… Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.
Hiện, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 3 Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025. Các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tại 13/13 địa phương. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp; tăng cường kiểm tra đột xuất, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, cảnh báo, khuyến cáo cho cộng đồng. Các địa phương chủ động thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn trên địa bàn.
Các đơn vị Y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện, điều tra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025. Xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Các cấp, các ngành liên quan vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Có thể thấy, để nhân dân có Tết an toàn, Quảng Ninh đã có các giải pháp quyết liệt, toàn diện nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, mà còn là ý thức chung của toàn xã hội.
Mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức về việc chọn mua thực phẩm an toàn. Đặc biệt là không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đầy đủ thông tin nhãn mác theo quy định, thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Khi mua và sử dụng các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn phải có đầy đủ nhãn hàng hóa theo quy định; không uống đồ uống dùng cồn công nghiệp, không uống sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn không có nguồn gốc rõ ràng.
Tết là dịp để sum vầy, để chia sẻ niềm vui, nhưng trên hết phải an toàn.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()