Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:28 (GMT +7)
Dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thứ 5, 25/05/2023 | 06:55:10 [GMT +7] A A
Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và đang hoàn tất các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận vào tháng 6/2023. Hiện tỉnh đang bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, với việc tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ người dân nâng cao giá trị sản xuất, đời sống tinh thần.
Đến nay, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 54/98 xã đạt NTM nâng cao (chiếm 55,1%), 26/98 xã đạt NTM kiểu mẫu (chiếm 26,5%); 13/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM, với 7/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn (Chương trình xây dựng NTM, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững).
Kế thừa và phát huy kết quả đạt được, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu dựa trên bộ tiêu chí đánh giá của Trung ương. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cấp huyện có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 71,4% số cấp huyện trên địa bàn tỉnh, còn 2/7 huyện (Bình Liêu, Ba Chẽ) đạt chuẩn NTM sau năm 2025; cấp xã có 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 59,1% số xã trên địa bàn tỉnh, còn 40/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao sau năm 2025 và phấn đấu có 32/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bằng 32,6% số xã trên địa bàn tỉnh.
Ở những địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao, tỉnh phấn đấu duy trì mức thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn đạt tối thiểu 92,2 triệu đồng (tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020). Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, với việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia, trong đó có tối thiểu 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế đã tham gia OCOP; phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế/năm tham gia chương trình OCOP; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP (trừ các sản phẩm thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch) được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, hiện nay tỉnh ưu tiên bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn từ ngân sách để hỗ trợ các địa phương, trong đó ưu tiên hỗ trợ đối với 12 thôn đặc biệt khó khăn, 25 xã và 23 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách và vốn tín dụng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp, vốn xã hội hóa, vốn từ các chương trình, đề án, dự án có cùng mục tiêu để thực hiện.
Các địa phương trong tỉnh bám sát mục tiêu của đơn vị mình cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, chính sách, nội dung thành phần, chương trình hỗ trợ. Theo báo cáo từ các địa phương, hiện đã triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng KT-XH; phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đặc sản theo chuỗi giá trị, phù hợp với từng địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Qua theo dõi, đến nay, các địa phương trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025 đã tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của địa phương tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo chiều sâu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh. Cùng với đó là đã xây dựng, nhân rộng và liên kết các mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp gắn với phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()