Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 07:21 (GMT +7)
Đơn hàng giảm mạnh, lao động thiếu hụt, doanh nghiệp ‘nín thở’ chờ thời
Thứ 4, 29/03/2023 | 11:33:14 [GMT +7] A A
Đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu tăng cao, khó tuyển dụng lao động... là những vấn nhiều khó khăn của doanh nghiệp (DN), các DN đang phải sản xuất cầm chừng và khó có thể đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đơn hàng sụt giảm mạnh
Ngày 28/3, bà Nguyễn Thị Lạc Huyền – Chủ tịch Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam cho biết, năm 2022 DN ngành sơn gặp nhiều khó khăn, có sự sụt giảm đáng kể trong các lĩnh vực. Sang năm 2023, khó khăn vẫn còn tiếp diễn do lạm phát, đồng USD tăng, phần lớn vẫn phải nhập nguyên liệu... Nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường sơn – mực in Việt Nam có xu hướng giảm vì các nước cũng hạn chế sản xuất; giá cả nguyên liệu nguồn gốc từ châu Âu cao, khan hiếm.
“Dự báo 6 tháng đầu năm 2023 chưa có tín hiệu khởi sắc, sản lượng sơn trang trí thấp hơn sản lượng cuối năm 2022; sơn gỗ giảm sản lượng khoản 50%, chưa có khởi sắc về xuất khẩu. Ngành mực in cũng chưa có tín hiệu tươi sáng" - bà Huyền nói.
Ông Đặng Văn Sơn - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam - cho rằng, năm 2023 còn khó khăn hơn, vì những khó khăn xuất hiện ngay từ đầu năm.
“Từ tháng 9/2022 đến nay, đơn hàng trong ngành gặp nhiều khó khăn cả về tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu. Các DN chỉ sản xuất được 50-60% công suất nhưng luôn cố gắng duy trì nhà máy, giữ việc làm cho lao động", ông Sơn nói và cho biết, những biến động chính trị và kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không cho phép các DN dự báo cũng như lập kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh...
Với các doanh nghiệp ngành nhựa và cao su, đơn hàng hơn 20%. Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TPHCM, Nguyên nhân do sản phẩm của DN chủ yếu xuất khẩu, nhưng nay khách hàng nước ngoài không mua, không đặt hàng...
“Để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này đòi hỏi các DN phải cải tiến sản phẩm, giảm giá thành, hợp lý hóa lao động. Chúng ta cần trong tư thế luôn sẵn sàng để khi thị trường hồi phục thì mình nắm cơ hội để bứt phá” - ông Quốc Anh lưu ý.
Bà Huyền cũng khuyến cáo, DN cố gắng quản lý tiết kiệm hơn, mua hàng quản lý chặt chẽ hơn, mua trữ nguyên liệu phòng khi giá cao, tìm những sản phẩm đa dạng để thay thế khi đứt gãy chuỗi cung ứng... DN cần chia sẻ khó khăn với khách hàng, giảm bớt lợi nhuận, thậm chí huề vốn để cùng nhau “vượt bão”.
"Đỏ mắt" tìm lao động phổ thông
Ngày 28/3, Trung tâm Dịch vụ việc Đồng Nai (trung tâm) cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tổ chức 3 sàn giao dịch việc làm, tuy nhiên số doanh nghiệp tuyển dụng và lao động tìm việc đều không cao.
Tại sàn giao dịch việc làm gần nhất được tổ chức vào ngày 27/3, có 22 DN tham gia với nhu cầu tuyển dụng 865 lao động trong các lĩnh vực như may mặc, xuất khẩu lao động, dịch vụ tài chính,…Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm hơn 73%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 350 lượt lao động tìm việc làm, tham gia phỏng vấn trực tiếp và có 220 lao động được tuyển dụng.
Theo trung tâm, từ đầu năm đến nay mặc dù nhu cầu về tuyển lao động phổ thông chiếm phần lớn, song số lượng lao động phổ thông tham gia tìm việc tại sàn rất hạn chế, chủ yếu lao động có trình độ. Do đó không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN.
Trong khi đó, cũng từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận gần 4.300 hồ sơ của người lao động nộp hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Dự báo trong vài tháng tới, do các DN gặp khó khăn về sản xuất nên khả năng sẽ cắt giảm lao động và số người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng cao. Trung tâm sẽ tăng cường các sàn việc làm để kết nối việc làm giữa lao động với DN; đồng thời, hỗ trợ việc làm nhanh chóng cho lao động thất nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()