Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:43 (GMT +7)
Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV
Thứ 3, 07/01/2025 | 16:28:23 [GMT +7] A A
Sau kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 253/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó, yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những giải pháp trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
1. Về chuyển đổi số toàn diện
Mục tiêu: Chuyển đổi số là công cụ để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Đứng trong top 3 của cả nước về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI).
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
- UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá một cách thực chất kết quả việc triển khai thực hiện các quyết định, đề án của Chính phủ, các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh về chuyển đổi số. Xác định các giải pháp, hiệu quả, thiết thực, lộ trình thực hiện cụ thể, có kiểm đếm kết quả thường xuyên, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách (nhất là đối với các mục tiêu, chỉ tiêu thấp, tiến độ thực hiện còn chậm).
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền tải đến người dân về các kỹ năng số cơ bản thông qua các ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng thông tin phục vụ cho đời sống hàng ngày.
- Thường xuyên quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng cho việc duy trì, vận hành nâng cấp phần mềm (hệ thống chính quyền điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính), triển khai các ứng dụng, bảo trì hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí và linh hoạt trong việc cập nhật và sử dụng công nghệ mới.
- Trước mắt, ngay trong quý I/2025, UBND tỉnh và các địa phương cần khẩn trương nâng cấp cơ sở hạ tầng máy móc, thiết bị tại 13 chi nhánh Trung tâm Hành chính công trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đồng bộ, liên thông các dữ liệu công dân để thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Triển khai phân quyền trên hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh (đến cả 3 cấp) đáp ứng việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính. Công dân có thể nộp hồ sơ ở bất cứ đâu, cán bộ cấp xã được phân quyền tiếp nhận hồ sơ của cấp tỉnh, cấp huyện để phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và giải quyết các thủ tục hành chính.
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cần chủ động, tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, rà soát theo dõi tiến độ và đôn đốc, kiểm đếm hiệu quả hoạt động, triển khai nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, địa phương. Kịp thời báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tác động tới chất lượng trong quá trình triển khai thực hiện để UBND tỉnh có giải pháp kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hàng tháng, hàng quý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện về nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
2. Về xây dựng bảng giá đất điều chỉnh và bảng giá đất mới áp dụng từ 01/01/2026
- UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương rà soát các quy định để tham mưu trình HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành các quy định để triển khai Luật Đất đai năm 2024 đồng bộ.
- UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể về xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh, trong đó phân công trách nhiệm, thời gian thực hiện từng khâu, quy trình xây dựng bảng giá đất cho các cơ quan, đơn vị; Thường xuyên kiểm đếm tiến độ thực hiện theo tuần, theo tháng; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 1418- TB/TU ngày 22/11/2024 (yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/12/2024) phấn đấu hoàn thành và phê duyệt Bảng giá đất điều chỉnh xong trong thời gian sớm nhất để áp dụng thực hiện. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của UBND các địa phương, các sở, ngành trong quá trình xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng công tác quản lý Nhà nước về giá đất trên địa bàn. Quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024 cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động đối với đối tượng áp dụng, nhất là người dân và doanh nghiệp, có lộ trình, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất; thực hiện lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng các hình thức phù hợp theo quy định; tiếp thu, giải trình đầy đủ đối với các ý kiến góp ý... để Bảng giá đất điều chỉnh nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, không gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
- UBND tỉnh chủ động trong công tác chỉ đạo xây dựng Bảng giá đất mới để áp dụng từ ngày 01/01/2026, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để cho ý kiến xử lý các vướng mắc (nếu có) trong quá trình xây dựng: tránh để xảy ra tình trạng chậm trễ như việc xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh, báo cáo đề xuất trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp phù hợp.
3. Về giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản
a) UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo đánh giá cụ thể, thực chất kết quả, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các ngành, địa phương đối với việc giao khu vực biển, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ giao khu vực biển theo phân cấp, thẩm quyền (cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ), nhất là diện tích khu vực biển thuộc thẩm quyền của địa phương và tỉnh. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh.
- Bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Quy định của Trung ương; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 02/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các Nghị quyết của HĐND tỉnh, tiếp tục: (1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản nói chung và giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản nói riêng. (2) Cơ cấu lại ngành thủy sản, phát triển lĩnh vực nuôi biển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị; trong đó đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, các mô hình thí điểm, mô hình mẫu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp để xem xét, nhân rộng, thu hút, phát triển các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã thủy sản và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm; (3) Xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để hoàn thành việc giao khu vực biển thuộc thẩm quyền. Trước mắt tập trung hoàn thành giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, cấp tỉnh cho các tổ chức đã được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm tiến độ đề ra; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; (4) Tăng cường các giải pháp quản lý, giám sát môi trường (quan trắc môi trường định kỳ, đột xuất), phòng, chống dịch bệnh tại các vùng nuôi và có biện pháp ứng phó khi thời tiết diễn biến phức tạp, đảm bảo việc phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững.
b) UBND các địa phương: Công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch, đặc biệt là thông tin cụ thể tọa độ, ranh giới khu vực biển sắp xếp cho người dân và phục vụ thu hút đầu tư nuôi biển công nghiệp. Trên cơ sở đề án, phương án nuôi trồng thủy sản của địa phương, có kế hoạch giao khu vực biển trên địa bàn quản lý; rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân; phân rõ thẩm quyền giao khu vực biển, nhu cầu diện tích khu vực biển, đối tượng giao; lộ trình, thời gian thực hiện từng nhiệm vụ, giải pháp; thường xuyên kiểm đếm tiến độ thực hiện; để phấn đấu hoàn thành sớm nhất việc giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của địa phương;
Quá trình thực hiện cần rà soát, đánh giá về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm của đối tượng giao; ưu tiên các đối tượng theo thứ tự diện chính sách, người địa phương... đảm bảo khách quan, minh bạch. Nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu kiện tại địa bàn (nếu có); không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương giao khu vực biển để đầu cơ mặt nước, tạo lợi ích nhóm, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, môi trường biển của người dân, doanh nghiệp, du khách... Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở nuôi và vùng nuôi. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp nuôi trồng trái phép, vi phạm quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hoạt động trên biển. Tiếp tục quyết liệt triển khai vận động các hộ dân thực hiện chuyển đổi, thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; đồng thời, có giải pháp tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn phao HDPE hợp chuẩn, hợp quy, giá thành hợp lý.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các quy trình, thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường...; hỗ trợ tối đa cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch giao khu vực biển năm 2025 chi tiết, cụ thể nhiệm vụ và giải pháp đến từng cấp, từng đối tượng, từng địa bàn. Chủ động tham mưu báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của cấp có thẩm quyền đối với các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngọc Ánh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()