Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:03 (GMT +7)
Đón đầu mùa du lịch tàu biển
Thứ 6, 06/09/2024 | 05:15:29 [GMT +7] A A
Với lợi thế cơ sở hạ tầng đồng bộ, có cảng tàu du lịch chuyên biệt, và nằm trong hải trình được nhiều du khách yêu thích, từ đầu năm 2024 đến nay, Quảng Ninh liên tiếp đón những tàu biển quốc tế cao cấp mang theo hàng nghìn du khách. Để đón mùa du lịch tàu biển 2024-2025, cũng như thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch đường biển nói riêng và quốc tế nói chung, ngành Du lịch đang nỗ lực gia tăng giá trị điểm đến, chủ động kết nối với các hãng tàu biển, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Mùa du lịch tàu biển thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, trong 7 tháng đầu năm Việt Nam đón 8,4 triệu lượt khách đến bằng đường hàng không và 163.000 lượt khách cập cảng bằng đường biển. Lượng khách đến bằng tàu biển tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2023 và hơn gần 10% so với 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt. Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay Quảng Ninh đón khoảng 50 chuyến tàu biển quốc tế mang theo 40.000 lượt du khách đến từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... Dự kiến trong năm 2024, Hạ Long là điểm đến của 60-70 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 70.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2023. Khách du lịch tàu biển đến Quảng Ninh có xu hướng trẻ hóa, quy mô các tàu lớn hơn, và lưu lại Hạ Long dài ngày hơn. Các năm tiếp theo lượng khách sẽ tăng khoảng 15-20% với sự xuất hiện đều đặn của các hãng tàu biển lớn: Royal Carribean, Holland America, Tui Cruises, Resorts World Cruises, Viking Ocean Cruises...
Được biết, chính sách nới lỏng visa và cấp e-visa cho công dân mọi quốc gia vùng lãnh thổ cùng sự giúp đỡ các thủ tục hành chính nhanh chóng từ hải quan, biên phòng, cảng vụ là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa lượng khách tăng cao. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông cũng góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng và phát triển du lịch trên tuyến đường biển của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, sau cuộc hội kiến giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Theo thỏa thuận hợp tác, các bên đã nhất trí đẩy nhanh phát triển du lịch tàu biển giữa Quảng Tây, Trung Quốc và Việt Nam, mở rộng nội dung và phạm vi dịch vụ “du lịch+”, tăng cường hợp tác với các đơn vị lữ hành, khách sạn, danh lam thắng cảnh để hoàn thiện chuỗi du lịch.
Theo ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, việc ký kết thỏa thuận sẽ giúp hai bên tăng cường công tác thông tin, tham quan, tổ chức các hoạt động trao đổi, đào tạo về quản lý cảng và dịch vụ du thuyền tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Việt Nam) và Cảng du thuyền quốc tế Vịnh Bắc Bộ (Trung Quốc), nhằm nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, thúc đẩy giao lưu và hợp tác giữa các sở quản lý cảng du lịch Quảng Tây, Trung Quốc và Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục hải quan và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Theo nhận định của các hãng lữ hành, khách đến bằng du thuyền có các ưu điểm: Đông, chi tiêu mạnh tay, thích mua sắm, tham quan, trải nghiệm văn hóa - ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, khách du lịch tàu biển cũng có nhược điểm là ít khi lưu trú qua đêm tại điểm đến, mà chỉ đến và đi trong ngày. Phần lớn các hoạt động vui chơi giải trí của khách đều diễn ra trên tàu. Vì vậy, việc xây dựng các điểm đến hấp dẫn, tăng khả năng chi trả của du khách đang được các địa phương nỗ lực thực hiện để tạo sức hút cũng như giữ chân du khách.
Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Quảng Ninh đón khoảng 100 chuyến tàu biển hạng sang, với khoảng 150.000-180.000 du khách quốc tế. Vì vậy, để quay trở lại con số này cũng như hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tàu biển quốc tế, thời gian tới, đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp tục xúc tiến các chương trình làm việc với một số hãng tàu biển lớn của quốc tế để trao đổi về các cơ hội hợp tác, bàn về đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch tàu biển và các cơ chế, thủ tục để phát triển du lịch tàu biển, thu hút khách đến Quảng Ninh. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu thị hiếu của khách để tạo ra các sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù gắn với từng thị trường khách du lịch; chú trọng triển khai công tác xúc tiến bằng cách đi khảo sát, tham gia quảng bá tại các hội chợ lớn về du lịch tàu biển… Đồng thời, có các chương trình quảng bá qua nhiều kênh truyền thông khác nhau để khách du lịch tiếp cận thông tin về các sản phẩm, điểm đến du lịch của Quảng Ninh.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()