Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:44 (GMT +7)
Đồn Cao Đông Triều - chứng tích một thời kỳ lịch sử
Chủ nhật, 23/07/2023 | 09:45:24 [GMT +7] A A
Cùng với đình Hổ Lao và chùa Bắc Mã, đồn Cao là một trong những địa danh đã gắn liền với sự hình thành và ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều thời tiền Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ninh.
Di tích lịch sử cấp quốc gia đồn Cao Đông Triều nằm trên quả đồi có độ cao 61m, trung tâm huyện lỵ Đông Triều. Do vị trí quan trọng án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Chí Linh (Hải Dương) đi Uông Bí theo đường 18A; từ Kinh Môn (Hải Dương) qua Đông Triều bằng đường 332 nên sau khi xâm chiếm khu mỏ Quảng Ninh không bao lâu, năm 1896, thực dân Pháp đã xây dựng căn cứ đồn Cao Đông Triều.
Gọi là đồn Cao - theo tiếng Việt là bởi đồn nằm trên đồi cao, giống như đồn Cao ở Cô Tô. Cùng với khu vực Tiên Yên, mũi Vạn Hoa, đồn Cao Đông Triều là một trong ba nơi ở Quảng Ninh, quân Pháp xây dựng tập trung đồn bốt thành căn cứ vững chắc nhất. Tại đây ngoài nhà ở của binh lính còn có hệ thống quân sự gồm nhiều tầng, với hệ thống lô cốt, công sự nổi thông với nhau bằng đường hầm gồm 2 hầm ngầm, 14 lô cốt, 2 trận địa pháo và hệ thống nhà chỉ huy, nhà nghỉ, khu ăn chơi, khu biệt giam tra tấn tù... được bố trí liên hoàn, vững chắc, xung quanh được xây dựng hàng rào kẽm gai để bảo vệ trung tâm chỉ huy. Lực lượng đồn trú có lúc lên đến hàng ngàn tên.
Sáng mùng 8/6/1945, đồn Cao Đông Triều đã bị nghĩa quân Đông Triều đánh chiếm, mở đầu cho cao trào Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh và sự ra đời của Chiến khu kháng chiến Trần Hưng Đạo hay còn gọi là Đệ tứ chiến khu.
Tháng 11/1947, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại đồn Cao Đông Triều và tiếp tục xây dựng củng cố đồn kiên cố hơn.
Năm 1951, khi quân ta mở chiến dịch Đường số 18, để phòng quân Pháp đã tăng cường cho đồn Cao Đông Triều lực lượng pháo binh rất lớn với gần 30 khẩu pháo 105 ly và nhiều pháo cối các loại. Sân vận động Đông Triều đã biến thành trận địa pháo, cánh đồng làng Đoàn Xá sau đồn Cao trở thành sân bay dã chiến phục vụ cho việc tiếp cận và chỉ huy của Bộ chỉ huy Pháp.
Những năm 1951-1954, quân Pháp chủ yếu dùng đồn Cao Đông Triều làm nhiệm vụ khống chế và kiểm soát các hoạt động của ta trên toàn tuyến đường 18 và chi viện đắc lực cho các cuộc hành quân càn quét cướp bóc trong khu vực. Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đồn Cao thuộc quyền kiểm soát của ta.
Ngày 24/5/2017, di tích đồn Cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trải qua thời gian, các công trình thuộc di tích đồn Cao Đông Triều đã bị phá hủy khá nhiều, chỉ còn lại một phần trong số các công trình như nhà ở của tên quan Ba, nhà ở của lính khố xanh và nhà biệt giam tra tấn tù cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm... Các công trình này cũng chỉ còn phần tường, số khác chỉ còn lại dấu tích nền móng.
Những năm qua, Di tích lịch sử đồn Cao Đông Triều luôn là địa điểm để các trường học trên địa bàn và các đoàn thể của thị xã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho giáo viên, học sinh, cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên, hội viên. Dù cơ bản chỉ còn nền móng, công trình đổ nát nhưng chừng đó vẫn là những chứng tích quan trọng đánh dấu một thời kỳ lịch sử không thể quên của toàn dân tộc nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Đông Triều nói riêng.
T.M
Liên kết website
Ý kiến ()