Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
Đòn bẩy nâng cao thu nhập của người dân
Thứ 4, 17/01/2024 | 13:31:14 [GMT +7] A A
Thời gian qua, bằng các nguồn lực từ Trung ương và tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân phát triển sản xuất.
Năm 2022, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội phụ nữ xã Việt Dân, TX Đông Triều, chị Vũ Thị Lan, thôn Đồng Ý được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH TX Đông Triều. Nhờ đó, chị Lan đã có vốn để đầu tư, cải tạo chăm bón, mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn. Đến nay, vườn bưởi Diễn của gia đình chị đã lên tới 1.000 gốc. Bưởi Diễn thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây nên cho quả sai, chất lượng tốt, vị ngọt đậm. Vì vậy, vườn bưởi của chị Lan thường xuyên được lái đến tận vườn thu mua, mang lại thu nhập ổn định, bình quân hàng trăm triệu mỗi năm.
Chị Vũ Thị Lan cho biết: Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, chúng tôi đã có kinh phí để đầu tư, chăm bón, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao diện tích, chất lượng, sản lượng của vườn. Ước tính, mỗi năm, vườn bưởi Diễn cho gia đình tôi thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3 lao động gia đình và một số lao động địa phương khi vào thời vụ.
Anh Phạm Đức Sông, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, TX Đông Triều, chia sẻ: Để phát triển sản xuất, người dân luôn rất cần vốn. Do không có tài sản thế chấp, sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, trình độ còn hạn chế nên chúng tôi gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại. Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, đa dạng các chương trình được xem là cứu cánh để chúng tôi phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Hiện, vườn cây cảnh với trên 400 gốc quất và 100 gốc đào mỗi năm đã cho gia đình thu nhập 200-300 triệu, xây dựng được ngôi nhà khang trang, cuộc sống ngày càng sung túc.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn TX Đông Triều đã thực sự phát huy vai trò làm chủ trong việc thực hiện các mô hình kinh tế. Qua đó, đời sống vật của người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa được hình thành, diện mạo nông thôn được đổi mới. Hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn thị xã đạt trên 85 triệu đồng/người/năm, tăng trên 2,3 lần so với năm 2015.
Bên cạnh những địa bàn thuận lợi, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh còn tích cực ưu tiên nguồn vốn, tập trung giải ngân, tạo điều kiện tối đa cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Anh Phạm Nhật Tiến, thôn 1, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, cho biết: Năm 2022, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội nông dân xã, tôi được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hà cho vay 80 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm. Bằng tiền vay được cùng số vốn của gia đình tích lũy, tôi đã đầu tư cải tạo 2 ao thành ao câu cá giải trí, xây dựng 2.500m2 nhà lưới trồng rau màu, trang trí lại khuôn viên. Ngoài cung cấp thực phẩm, mô hình của tôi cũng thu hút đông đảo du khách tới tham quan, vui chơi, giải trí. Nhờ đó, thu nhập được 100-200 triệu đồng/năm, kinh tế đi lên từng ngày, gia đình đã thoát hộ cận nghèo.
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh và huyện đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế. Riêng năm 2023, ngân sách tỉnh đã ủy thác bổ sung gần 300 tỷ đồng để thực hiện các chương trình cho vay giải quyết việc làm, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, phát triển lâm nghiệp bền vững, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh, giúp nhiều người dân có vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tính đến năm 2023, thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân trên địa bàn tỉnh đạt trên 73,34 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương và chỉ còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()