Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Đối tượng có khó khăn về chỗ ở được hỗ trợ thế nào?
Thứ 7, 31/12/2022 | 08:54:51 [GMT +7] A A
Cử tri tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ xem xét, có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đối với đối tượng là giáo viên có hộ khẩu và đang công tác tại địa bàn vùng đặc biệt khó khăn có khó khăn về nhà ở nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng trên có cơ hội được vay vốn, ổn định nhà ở.
Bộ Xây dựng trả lời cử tri tỉnh Quảng Trị như sau:
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nỗ lực trong việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về chỗ ở. Cụ thể:
- Luật Nhà ở năm 2014;
- Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội;
- Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP);
- Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.
Tại Khoản 7 Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm giáo viên) là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Nhóm đối tượng này được giải quyết cho mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập (Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014).
Ngoài ra đối tượng này còn được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (Khoản 1 và 4 Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014).
Theo đó, đối với trường hợp vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 100/2015 ngày 20/10/2015 của Chính phủ và Điểm d Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ thì được hỗ trợ vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Chính sách hỗ trợ nhà ở trong các Chương trình mục tiêu quốc gia
Ngoài ra, hiện nay, trong giai đoạn 2021-2025, có 2 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn là:
Nội dung số 2 "Hỗ trợ nhà ở" - Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn đoạn I: Từ năm 2021-2025 (kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) với mức hỗ trợ như sau: Ngân sách trung ương là 40 triệu đồng, ngân sách địa phương tối thiểu là 4 triệu đồng, vốn vay ưu đãi (mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho hộ nghèo vay theo quy định hiện hành với thời gian tối đa là 15 năm) từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 40 triệu đồng và hộ gia đình tự cân đối một phần vốn (khoảng 15% tổng số vốn xây dựng ngôi nhà) để xây dựng nhà ở.
Dự án 5: "Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022 (kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ) với mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 40 triệu đồng/hộ đối với xây dựng mới nhà ở và 20 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa nhà ở.
Trường hợp giáo viên như kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ thuộc đối tượng thụ hưởng của các chính sách này.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()