Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:55 (GMT +7)
Đời tư nghệ sĩ 'phơi sóng' truyền hình
Thứ 3, 24/05/2022 | 16:54:16 [GMT +7] A A
Ngày càng có nhiều chương trình truyền hình thực tế về đời sống riêng của nghệ sĩ được sản xuất khiến khán giả e ngại khi thấy đời tư nghệ sĩ bị khai thác quá kỹ.
Trang Koreatimes vừa lên tiếng về thực trạng này ở Hàn Quốc. Còn ở Việt Nam thì sao?
Một khán giả Hàn Quốc họ Choi, 29 tuổi, cho biết: "Tôi bắt đầu tránh xem những chương trình đó vì có cảm giác chúng ngày càng trở nên khiêu khích hơn. Khi xem, tôi sẽ tự hỏi liệu mình có thực sự cần biết mức độ của những vấn đề cá nhân của nghệ sĩ hay không".
Nhiều chương trình cận cảnh đời sống nghệ sĩ
Kể từ khi chương trình thực tế nổi tiếng Tôi sống một mình (I Live Alone) của Đài MBC phát sóng vào năm 2013, mang đến cho người xem cái nhìn cận cảnh về cuộc sống riêng tư của những người nổi tiếng độc thân, các chương trình tìm hiểu về cuộc sống của các ngôi sao tiếp tục được sản xuất.
Các chương trình này có nhiều chủ đề khác nhau, từ đời sống tình dục của các cặp đôi đã kết hôn trong Hôn nhân cam chịu (Doomed Marriage) đến cuộc sống của những người đã ly hôn đang có cơ hội khác để tìm kiếm tình yêu mới trong chương trình hẹn hò thực tế Những người độc thân ly hôn (Divorced single), cuộc sống của các cặp đã tan vỡ quan hệ trong Yêu lần nữa (Love again).
Trong Yêu lần nữa mùa 2, sự tái hợp của một trong những cặp đôi cũ - ca sĩ Eli Kim và nhân vật truyền hình Ji Yeon Soo - thu hút sự chú ý của người xem với những khoảnh khắc động lòng như cảnh quay đứa con trai nhỏ của họ bám vào người cha của mình và xin cha mẹ của mình được sống cùng nhau.
Sự gia tăng số lượng các chương trình có nghệ sĩ góp mặt đã khiến nhà sản xuất cạnh tranh tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống của các nghệ sĩ, làm dấy lên lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư và gây ra các phản ứng phụ đặc biệt là đối với trẻ nhỏ trong gia đình.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nói rằng việc cha mẹ để "diễn viên" nhí tham gia chương trình có khả năng dẫn đến các vấn đề riêng tư khác nhau trong tương lai vì các em chưa đủ tuổi để bày tỏ sự đồng ý.
"Mặc dù các nghệ sĩ là cha mẹ, nhưng con cái không phải là tài sản của họ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là liệu các chương trình có trẻ em thực sự cần thiết hay không" - ông Kim Hern Sik nói.
Kể chuyện đời nghệ sĩ từ talkshow
Tính cách người Việt khá khép kín và chi phí sản xuất truyền hình không nhiều, nên những chương trình thực tế chủ yếu khai thác góc nhỏ trong đời sống nghệ sĩ.
Cụ thể như trong mùa dịch có chương trình Ở nhà vui mà - ghi nhận cuộc sống gia đình nghệ sĩ trong mùa dịch COVID-19. Mới đây Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân trình làng hình ảnh những ông bố nghệ sĩ ở nhà chăm sóc con khi mẹ vắng nhà...
Chuyện đời nghệ sĩ lại được kể nhiều hơn ở chương trình talkshow. Một trong những chương trình khá thành công đó là Lần đầu tôi kể - từng phát sóng trên HTV2.
Khán giả lúc bấy giờ bất ngờ trước những chia sẻ khá thẳng thắn và những góc khuất về cuộc sống đời thường của nghệ sĩ. Sau đó, loạt chương trình tương tự được sản xuất như Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành, Hát câu chuyện tình...
Những cuộc thi trên sóng truyền hình như Sao nối ngôi, Người kể chuyện tình... cũng lồng nghép chuyện đời nghệ sĩ tham gia... Hiện trên VTV3 đang phát sóng Lời tự sự và trên VTV9 Đời nghệ sĩ cũng có định dạng tương tự.
"Thật sự các nghệ sĩ Việt khá kín tiếng trong việc kể chuyện nhà mình nên các tập dù là có nhân vật mới nhưng cách thể hiện quen thuộc và nhàm chán" - anh Thanh An, nhà ở quận Bình Tân (TP.HCM), nhận xét.
Và anh cũng đặt ra vấn đề đáng lưu ý: "Đời tư của mỗi người không thể xác minh được, vì vậy làm sao có thể biết được câu chuyện đó sự thật bao nhiêu phần trăm.
Những lùm xùm trong các sô truyền hình về đời tư nghệ sĩ trong thời gian qua khiến khán giả cảm thấy không thật sự tin tưởng về những câu chuyện được kể và nghệ sĩ cũng sẽ ít trải lòng thật, nhiều người lên truyền hình chủ yếu kể chuyện vui và PR bản thân nhiều hơn".
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()