Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:35 (GMT +7)
Đổi thay từ các làng dân tộc thiểu số
Chủ nhật, 13/10/2024 | 08:15:17 [GMT +7] A A
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về “Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”, những bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại đây đang được phát huy, làm nên những đổi thay và sức hút mới cho các bản.
4 làng được lựa chọn thí điểm là làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu; làng người Dao Thanh Y ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái và làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Ở các thôn này, người dân tộc thiểu số (DTTS) có lịch sử cư trú lâu đời, dân số đông, sinh hoạt thành cộng đồng làng, bản, có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, 3 địa phương có làng DTTS là Bình Liêu, Móng Cái, Vân Đồn đã tích cực khôi phục, bảo tồn nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc tại các địa phương.
TP Móng Cái đã thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn. Địa phương cũng phục dựng chợ phiên Pò Hèn, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua Lễ hội hoa sim biên giới tại xã Hải Sơn, tổ chức thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian, thi trang điểm cô dâu dân tộc Dao trong lễ hội, qua đó tạo thêm sức hút cho điểm đến, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND, huyện Vân Đồn đang triển khai lập hồ sơ tư vấn xây dựng công trình Dự án làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, bao gồm các hạng mục: Cổng làng, bãi đỗ xe, mở rộng đường giao thông nội làng; xây dựng kiến trúc bảo tồn nhà văn hóa, trưng bày các hiện vật, xây dựng và phát huy không gian văn hóa vật thể, phi vật thể.
Trước đó, huyện cũng đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”, giúp người Sán Dìu phát huy tốt bản sắc dân tộc mình như: Bảo tồn các làn điệu soọng cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, lễ Cấp sắc, lễ Đại phan..., xây dựng Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân, là nơi để người Sán Dìu phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Còn với Bình Liêu, địa phương đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh và nghi thức mừng cơm mới của người Tày, trong đó, hát soóng cọ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 10/11/2023.
Huyện cũng thực hiện lập danh mục công cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của người Tày, người Sán Chỉ; khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình trong thôn Bản Cáu, Lục Ngù và vùng phụ cận có khả năng, nhu cầu khôi phục nhà ở truyền thống, khôi phục nghề truyền thống; thực hiện phục dựng nghi lễ cầu mùa, cầu may của người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù; nghi lễ lấy nước đầu năm của người Tày tại thôn Bản Cáu; xây dựng cuốn sách Học tiếng Tày Bình Liêu…
Song song với đó, các địa phương đều chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường tại 4 làng DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển các nghề truyền thống như rèn, chạm bạc, đan lát, may vá…, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương; duy trì các CLB văn nghệ truyền thống như CLB hát soọng cô của người Sán Dìu, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát then - đàn tính của người Tày, biểu diễn phục vụ khách du lịch; hỗ trợ phục dựng công trình nhà ở truyền thống của các DTTS nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và cung cấp dịch vụ lưu trú homestay.
Các làng DTTS đang được tạo những điều kiện thuận lợi để gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp, riêng có của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, làm nên sức sống mới và những đổi thay ấn tượng trên mỗi bản làng.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()