Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 22:36 (GMT +7)
Đổi thay ở thôn Tầm Làng
Thứ 3, 05/09/2023 | 13:45:32 [GMT +7] A A
Trở lại thôn Tầm Làng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà), nơi khoảng chục năm trước tôi đến để tìm hiểu viết bài về chương trình xây dựng NTM, Tầm Làng bây giờ đã hoàn toàn đổi khác, không còn chút dáng vẻ nào của thôn nghèo lạc hậu khi xưa.
Xã Quảng An có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Dao là đông nhất, chiếm 55%, riêng thôn Tầm Làng có 100% người dân đều là dân tộc Dao. Để duy trì và phát huy bản sắc văn hoá, xã Quảng An đã thành lập CLB May thêu trang phục dân tộc Dao, với 16 thành viên có tay nghề cao tham gia. Trước đó, xã cũng đã thành lập CLB Hát Sán cố với 15 thành viên.
Tháng 7 vừa qua, tại thôn Tầm Làng đã diễn ra Chương trình về miền Sán cố của người Dao, bà con đã bày nhiều gian hàng phục vụ du khách như quần áo, váy, mũ, khăn thổ cẩm... cùng các mặt hàng tươi như rau, măng rừng, xôi và nhiều loại bánh của người Dao. Bà Chíu Tài Múi, người dân ở thôn Tầm Làng tươi cười bảo rằng: Cái gì cũng bán được, từ mớ rau má, củ măng rừng, đến áo quần thổ cẩm... đều bán được hết!
Ấy vậy mà đã có một thời ở thôn Tầm Làng, ngay cả cây keo là cây kinh tế chủ lực cũng rất khó tiêu thụ. Các sản phẩm khác của bà con trong thôn chủ yếu là tự cung tự cấp. Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, 100% hộ dân trong thôn Tầm Làng là hộ nghèo.
Thôn Tầm Làng khi ấy gọi là bản, nằm cách xa trung tâm xã Quảng An khoảng 16km, nhưng quãng đường này có tới 7-8km đi bộ cũng còn khó, hễ trời mưa là phải đi dò dẫm từng bước. Cán bộ xã Quảng An muốn đến thôn Tầm Làng thường phải chuẩn bị tư thế cho chuyến đi mấy ngày và không quên xem dự báo thời tiết từ hôm trước. Những cánh rừng keo của người dân trong thôn trồng hơn chục năm chẳng có thương lái đến mua vì lý do đường xấu, không vận chuyển gỗ được bằng xe cơ giới. Còn nếu thuê người vác gỗ gần chục cây số thì tiền thuê nhân công cao hơn tiền mua keo.
Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đường đến thôn Tầm Làng đã được bê tông hóa, nhờ đó giúp nâng cao giá trị các rừng gỗ keo từ 15 triệu đồng/ha lên 100 triệu đồng/ha, bà con cũng nhờ thế ổn định cuộc sống từ trồng rừng.
Xã Quảng An có diện tích tự nhiên nhiên 59,4km2, nhưng chủ yếu là đồi núi cao với hơn 1.370ha rừng phòng hộ. Xen kẽ rừng đồi là những con sông, con suối, thác nước và những đồi sim tự nhiên. Quảng An có 3 thác nước là thác Bạch Vân, thác Tình Yêu và thác Hàm Rồng, thì cả 3 thác đều nằm ở thôn Tầm Làng.
Cán bộ xã Quảng An đã đề xuất ý tưởng lên huyện về việc phát triển du lịch ở thôn Tầm Làng và kêu gọi đầu tư du lịch vào Quảng An. Trước mắt, xã vận động bà con phát huy tốt bản sắc dân tộc mình, thể hiện rõ qua văn hoá ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng thông qua trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống... Theo đó, người dân thôn Tầm Làng phát triển nghề đan thêu đồ thổ cẩm để phục vụ cho cộng đồng và du khách. Khi du lịch được đẩy mạnh, ngôn ngữ, phong tục tập quán, trang phục... của đồng bào cũng trở thành sản phẩm du lịch.
Trong năm 2023, huyện Đầm Hà và xã Quảng An sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động kích cầu du lịch nữa ở thôn Tầm Làng, giúp bà con có thêm thu nhập. Người dân trong thôn cũng mạnh dạn mở nhà hàng phục vụ du khách, tăng cường trồng rau, nuôi gà, nuôi trâu thả đồi, đặc biệt là mọi người đều nâng cao ý thức bảo vệ rừng tự nhiên, bởi rừng rất thiết thực với du lịch. Rừng giữ nước tạo nguồn nước dồi dào cho các thác nước ở bản và nguồn nước tưới tiêu, nước sinh hoạt hằng ngày của bà con.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()