Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:58 (GMT +7)
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Thứ 6, 15/12/2023 | 08:02:25 [GMT +7] A A
Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định quy hoạch phải đi trước một bước và luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với công tác quy hoạch. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để tỉnh khơi thông các nguồn lực và tạo động lực cho thúc đẩy phát triển bền vững giai đoạn vừa qua. Đồng thời là công cụ quản lý của Nhà nước, là phương tiện giám sát của Nhân dân, là niềm tin lựa chọn của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng Sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023) và là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh (tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 01/11/2023).
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, nhất là kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Hiện tỉnh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương trong tỉnh cũng như quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế, các đồ án quy hoạch phân khu để làm cơ sở cho rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện. Đến nay đã ban hành Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 13/13 địa phương trong tỉnh và lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh; hoàn thành phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 69,46%.
Trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch, Quảng Ninh xác định quy hoạch đất đai và các quy hoạch khác có liên quan phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, có tính kế thừa, bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển, khai thác có hiệu quả cao nhất tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn và định hướng sử dụng đất, tránh lãng phí trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng đất đáp ứng được yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị quỹ đất để bố trí ít nhất 50.000 suất tái định cư trong giai đoạn 2023 - 2030; chủ động đi trước một bước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiêm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đến nay, tổng số suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 8.828 suất, tổng số suất tái định cư đã bố trí giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất; tổng số suất tái định cư dự kiến bố trí giai đoạn 2026 - 2030 (theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) là 34.309 suất.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trong thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên - khoáng sản, đặc biệt là đất đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, đất lấn biển, đất có nguồn gốc lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, mặt nước ven biển. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá tài sản, đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()