Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:50 (GMT +7)
Đổi mới tư duy, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Thứ 6, 23/04/2021 | 13:34:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua Quảng Ninh luôn có nhiều đổi mới, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng triển khai thành công toàn diện nhiệm vụ.
Cử tri khu 4 (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) theo dõi danh sách cử tri được niêm yết. Ảnh: Đỗ Hương |
Trên cơ sở các quan điểm, nghị quyết của Đảng về đổi mới kinh tế gắn với từng bước đổi mới chính trị, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo và nâng cao năng lực toàn diện của Đảng, tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác xây dựng, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị với nhiều mô hình mới. Trọng tâm là thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 của Tỉnh ủy về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
Nổi bật là tỉnh đã chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm, xây dựng thành công nhiều mô hình mới, như thành lập Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, cấp huyện; hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra cấp huyện và cơ quan tổ chức - nội vụ cấp huyện, cấp tỉnh. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Đảng bộ Cục Thuế trực thuộc Đảng bộ tỉnh, gắn với sắp xếp lại tổ chức ngành Thuế; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp... Đồng thời, tiếp tục sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh giảm 7 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 180 phòng, 3 chi cục, 44 phòng thuộc chi cục và tương đương.
Cùng với sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế, Tỉnh ủy đã đưa ra các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy; tăng cường vai trò lãnh đạo đối với chính quyền, đảm bảo đúng thẩm quyền, không buông lỏng hay bao biện làm thay, nhất là thông qua mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Các cấp ủy đã đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ trách nhiệm, phù hợp với cân đối nguồn lực; lựa chọn đúng trọng tâm, bảo đảm tính khả thi, đột phá; coi trọng lấy ý kiến tham gia, phản biện, góp ý của mặt trận và các tổ chức quần chúng. Các cấp ủy cũng coi trọng đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; tăng cường bám nắm cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm mọi việc lãnh đạo, chỉ đạo được thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.
Đổi mới tư duy, nhận thức, định vị lại giá trị của tỉnh, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, yếu kém, xác định đúng triết lý, phương hướng phát triển là cội nguồn dẫn dắt kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, với tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016-2020 đạt 10,7%/năm, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung cả nước; thu nội địa luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới.
Quảng Ninh cũng ghi dấu ấn là tỉnh đứng đầu cả nước về cải cách hành chính, với bước đột phá 4 năm liên tục (từ 2017) chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu cả nước; chỉ số PAPI tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng; là một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước; làm tiền đề căn bản và động lực quan trọng để trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển hiện đại trong tầm nhìn năm 2030.
Đoàn viên, thanh niên TP Móng Cái hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công thành phố.Ảnh: Yến Vy |
Đặc biệt, cũng từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó việc nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn hơn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực thực hiện theo hướng quyết liệt, hiệu quả, nhất là trong triển khai những chủ trương mới, khó. Qua đó, giúp cho dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia những công việc của địa phương, trong góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, xây dựng Đảng, chính quyền và tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên.
Những đổi mới, nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh đã mang lại những hiệu quả tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, năng động; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()