Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:57 (GMT +7)
Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ 6, 27/12/2024 | 13:57:22 [GMT +7] A A
Bắt kịp xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong sản xuất, người dân đã chủ động thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng KHKT, cơ giới hóa vào đồng ruộng, như: Máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái phun thuốc; ứng dụng hệ thống tưới tự động điều khiển qua điện thoại, nhà màng, nhà lưới... Ngoài ra, nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Điển hình, như tại huyện Hải Hà, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trong đó, huyện hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao, như: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới trên toàn huyện đạt trên 85% vào năm 2030.
Ông Chung Văn Tắc (thôn 9, xã Quảng Long) chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ những chủ trương, chính sách thay đổi trong cách trồng, chế biến cây chè, các hộ dân trồng chè được tham gia tập huấn, hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao sản lượng và năng suất, chất lượng cây trồng, vì thế đã tăng cả về sản lượng và giá thành. Qua đó, tạo ra giá trị bền vững cho vùng chè và kinh tế ổn định cho người trồng.
Với mục tiêu cung ứng sản phẩm lợn thịt Móng Cái sạch tới tay người tiêu dùng, các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc (TP Móng Cái) đã thiết lập quy trình chăn nuôi theo phương thức hữu cơ kết hợp chăn thả bán tự nhiên ở vườn đồi. Các thức ăn sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu là rau, ngô, chuối kết hợp với cám gạo... Nhờ đó, cho ra thị trường những sản phẩm thịt thương phẩm chất lượng, thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc đang trở thành địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp lợn sạch Móng Cái cho thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Đặc biệt, mô hình này còn thường xuyên được TP Móng Cái lựa chọn sản phẩm tham gia các hội chợ OCOP tỉnh và đang được các thành viên trong HTX tiếp tục nhân rộng thành công. Theo bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX, lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ có đầu ra rộng mở, thu nhập mang lại cao hơn. Nhờ đó các mô hình chăn nuôi tự nhiên trong HTX ngày càng phát triển, gia tăng quy mô. Với quy trình nuôi sạch sẽ, an toàn, thân thiện với môi trường, mô hình chăn nuôi lợn sạch Móng Cái của HTX đã được TP Móng Cái cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện để HTX tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường và từng bước xây dựng một cách vững chắc thương hiệu sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện duy trì 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 94ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng được cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi... Trong đó, có nhiều mô hình nổi bật: Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại TX Đông Triều, diện tích 150ha; vùng trồng rau an toàn tập trung ở Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà, tổng diện tích 348ha, sản lượng trên 31.520 tấn; vùng trồng hoa tập trung tại Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên, tổng diện tích 451ha, sản lượng đạt 131 triệu bông; vùng trồng cây dong riềng tập trung tại Bình Liêu, Tiên Yên, tổng diện tích 250ha, sản lượng ước đạt 10.875 tấn; vùng trồng chè tập trung tại Đầm Hà, Hải Hà, tổng diện tích 544ha, sản lượng ước đạt 3.690 tấn.
Có thể nói, để bắt kịp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, người dân trên địa bàn tỉnh đã, đang dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp với những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn. Từ sự đổi mới trong suy nghĩ và cách làm của người dân, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, để tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, các địa phương cần tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân trong quá trình ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất các sản phẩm theo hợp đồng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()