Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:43 (GMT +7)
Ba Chẽ Đổi mới tư duy, “đi trước” thiên tai, bão lũ
Thứ 5, 08/07/2021 | 07:00:11 [GMT +7] A A
Địa hình đồi núi uốn lượn theo con sông Ba Chẽ, chịu ảnh hưởng từ thủy triều nơi cửa sông, huyện Ba Chẽ thường xuyên phải gánh chịu những đợt mưa lũ bất thường. Để nắm bắt thông tin kịp thời, từ đó chủ động phòng ngừa hiệu quả, đầu mùa mưa bão năm nay, Ba Chẽ đã tiên phong đầu tư hệ thống cảnh báo mưa lũ qua ứng dụng CNTT hiện đại. Đây là kết quả của sự thay đổi tư duy trong chỉ đạo, điều hành, chủ động ứng phó với thiên tai của huyện miền núi này.
Thiệt hại nặng nề do mưa lũ
13 năm trước, cũng khoảng thời gian này, Ba Chẽ đã phải hứng chịu cơn “đại hồng thủy” lịch sử với những ảnh hưởng nặng nề. Đối với người dân huyện miền núi này, trận bão số 6 ngày 26-27/8/2008 là ký ức buồn không thể quên. Chỉ trong vòng 2 ngày, 1.288 ngôi nhà bị sập, trôi, hư hỏng nặng, hàng nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng sạt lở, nguy hiểm. Chợ Trung tâm Ba Chẽ ngập sâu cả tầng 2.
10 năm sau, lịch sử lặp lại với trận “đại hồng thủy” lớn thứ 2. Ngày 19/7/2018, nước lũ tràn về từ đầu nguồn, kèm theo thủy triều sông Ba Chẽ dâng nhanh khiến thị trấn Ba Chẽ ngập trong biển nước, cả huyện bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Gần 50 ngôi nhà của người dân bị ngập nặng, hơn 200 hộ dân phải di dời khỏi vùng sạt lở, nguy hiểm. Là một trong những điểm có địa hình trũng, vị trí thấp nhất trên địa bàn, chợ Trung tâm Ba Chẽ tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề do lũ gây ra. Rất may lần này, nước mới chỉ mấp mé tầng 2.
Gắn bó với chợ Trung tâm Ba Chẽ đã hơn chục năm, anh Đoàn Văn Hiệp, Tổ trưởng Tổ quản lý, Ban Quản lý (BQL) chợ Trung tâm Ba Chẽ, đã chứng kiến từng khoảnh khắc tòa nhà 2 tầng oằn mình trong những cơn lũ dữ và cả những giọt nước mắt xót xa của tiểu thương trong chợ vì không kịp di dời hàng hóa. Nhớ lại thời khắc ấy, anh Hiệp cho biết: Vì lũ thường về ban đêm, nước dâng nhanh, khiến hệ thống điện bị tê liệt. Trong khi đó, thông tin dự báo không kịp thời, thường khi chúng tôi nhận được tin lũ thì đã muộn. Việc liên lạc vô cùng khó khăn, anh em BQL chợ vừa phải đi gọi từng tiểu thương, lại phải lo hỗ trợ di dời hàng hóa. Nhiều khi nước lên nhanh quá, không kịp chuyển đồ đạc, bà con chỉ biết ngồi khóc vì tiếc của.
Không chỉ ở hạ nguồn, tại các xã đầu nguồn của huyện, nhiều công trình giao thông, nhà cửa bị phá hủy nặng nề khi nước lũ cuốn qua. Tại xã Thanh Lâm có 3 cây cầu đều mang tên Khe Khuy (trong đó cầu Khe Khuy mới được đầu tư xây dựng ở vị trí cao điểm). Sau trận "đại hồng thủy" năm 2008 và các đợt lũ tiếp theo, các cầu Khe Khuy đã lần lượt bị đánh sập hoàn toàn phần cầu ngầm và cầu bê tông; chia cắt tỉnh lộ 330, trục chính giao thông của huyện Ba Chẽ. Các xã vùng cao của huyện khi đó đều tạm thời bị cô lập.
Ông Lan Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, cho biết: Dòng nước chảy xiết kéo theo sạt lở đất đá, cây cối, vật dụng bị lũ cuốn khiến cầu bị gãy lìa. Tình trạng này đã bao lần khiến giao thông qua địa bàn xã Thanh Lâm bị chia cắt, cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nặng nề một thời gian dài.
Thống kê trong 10 năm (2008-2018), Ba Chẽ đã phải gánh chịu 16 cơn bão, lũ, đi kèm với đó là lũ quét và sạt lở đất, tổng thiệt hại ước tính khoảng 246 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do cường độ mưa lũ tăng lên, nhiều công trình được đầu tư có giá trị hơn, nên khi xảy ra mưa lũ mức độ thiệt hại cao hơn. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở, hoa màu, nước sinh hoạt, hệ thống điện bị phá hủy hoặc ảnh hưởng trầm trọng. Mỗi mùa mưa bão lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Ông Nguyễn Kim Bôi (thị trấn Ba Chẽ) cho biết: Mấy chục năm trôi qua, cứ mỗi mùa mưa lũ, người dân chúng tôi đều cảm thấy bất an. Tôi đã từng chứng kiến những ngôi nhà ở thị trấn bị ngập cả tầng 1. Không kể lũ lụt, chỉ là những trận mưa lớn, nước cũng đã mấp mé mặt đường.
Chủ động dự báo, ứng phó với thiên tai
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều yếu tố khắc nghiệt. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, từ kinh nghiệm của những đợt mưa bão đã qua, Ba Chẽ đã có sự thay đổi tư duy ứng phó với thiên tai. Địa phương này đã có sự chủ động hơn trong công tác cảnh báo, phòng ngừa thiên tai, lũ lụt.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Đến nay, toàn bộ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã được kiểm tra, chuẩn bị phương án ứng phó để xử lý tình huống thiên tai có thể xảy ra. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, tránh ngập úng.
Đặc biệt, bên cạnh đầu tư và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình phòng, chống ngập lụt, huyện đã ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành phòng, chống bão lũ với kỳ vọng cải thiện được phần nào thiệt hại do lũ gây ra.
Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, để các cơ quan quản lý và người dân được nhận biết sớm, có giải pháp phòng ngừa khi có sự cố xảy ra, huyện đã ứng dụng KHCN trong cảnh báo lũ trước mùa mưa bão năm nay.
Ứng dụng KHCN trong phòng chống bão, lũ mà huyện triển khai là hệ thống cảnh báo lũ sớm. Dự án này nằm trong đề án “Phòng chống lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019. Đây cũng là phần mềm cảnh báo lũ bằng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Quảng, Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ, cho hay: Hệ thống này sẽ tự động thu thập các thông tin quan trắc trên lưu vực sông Ba Chẽ và truyền dữ liệu liên tục, cập nhật về máy chủ của Trung tâm chỉ huy PCTT&TKCN đặt tại trụ sở UBND huyện. Từ đó, tạo lập một hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ mưa, lũ của huyện Ba Chẽ trên môi trường mạng.
Đến nay huyện đã xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị 7 trạm đo mưa, 5 trạm đo mực nước tại 8 xã, thị trấn; 3 trạm ở các hồ thủy lợi trên địa bàn, mỗi trạm đều có camera giám sát. Đây đều là các điểm xung yếu, hay xảy ra lũ lụt trên lưu vực sông Ba Chẽ. Nhờ đó, có thể dự báo các đợt mưa lũ trước 16 ngày và đưa ra các kịch bản ứng phó với thiên tai. Khi mực nước vượt ngưỡng dự báo, hệ thống sẽ phát cảnh báo và chuyển tức thời tới cán bộ, người dân qua tin nhắn SMS. Đây chính là tính năng mới đột phá trong giải pháp dự báo và phòng chống lụt bão, ứng phó với các thảm họa thiên nhiên hiện nay.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai, khi hệ thống này được đưa vào vận hành, triển khai, thị trấn Ba Chẽ cũng là một trong những địa bàn được hưởng lợi nhiều nhất. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chẽ, cho biết: Thị trấn vừa phải chịu lũ đổ về từ thượng nguồn, vừa chịu nước thủy triều sông Ba Chẽ dâng nhanh, vì thế tạo thành rốn lũ. Nếu hệ thống này hoạt động tốt, chúng tôi sẽ nhận được thông tin từ xa, từ sớm để làm tốt công tác di dời, tránh nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra, đáp ứng niềm mong mỏi từ bao đời của chính quyền và người dân.
9,5 tỷ đồng đầu tư cho ứng dụng công nghệ hiện đại vào cảnh báo thiên tai của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn về nguồn thu như Ba Chẽ là một bài toán không đơn giản. Thế nhưng, bằng sự quyết đoán, đưa lên "bàn cân" giữa chủ động phòng ngừa với khắc phục hậu quả, quan trọng là sự thay đổi tư duy trong điều hành, lãnh đạo và triển khai các phần việc theo hướng công nghệ hóa, từ một huyện nghèo, Ba Chẽ đã có những bước đi tiên phong. Việc có được hệ thống cảnh báo bão lũ bằng công nghệ hiện đại đầu tiên trong tỉnh thực sự là một bước tiến đáng kể về tư duy và nỗ lực phòng chống thiên tai, bão lũ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quan tâm của tỉnh. Từ đó, làm tốt công tác “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Thượng tá Nguyễn Đình Định, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Chẽ, cho biết: Trước đây, mọi thông tin cảnh báo thiên tai, chúng tôi chủ yếu dựa vào bản tin thời tiết hằng ngày, rất khó khăn trong việc xác định mưa lũ trên địa bàn. Từ khi lắp đặt hệ thống cảnh báo, chúng tôi đã xác định được ngay mực nước và khu vực, vị trí xảy ra mưa lũ để có phương án chủ động phòng chống và xử lý.
Khi hệ thống chính thức đi vào hoạt động, các cơ sở dữ liệu thu thập, phân tích được sẽ đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý, điều hành của huyện. Đồng thời là giải pháp hiệu quả góp phần vào việc sống thích nghi lâu dài với các điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Mặc dù mới lắp đặt và hoạt động từ cuối năm 2020 đến nay, nhưng các số liệu cập nhật về hệ thống rất chính xác, giúp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện trong công tác điều hành. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả trong việc chủ động, phòng ngừa mà hệ thống này đem lại. Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn.
Khánh Hằng - Khánh Đan
- TX Quảng Yên chủ động, linh hoạt ứng phó với thiên tai
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương theo chu kỳ 5 năm
- Thực tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên Vịnh Hạ Long
- Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn: Đồng bộ các giải pháp
- Lực lượng nòng cốt, tuyến đầu phòng chống thiên tai & TKCN
- Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo kết quả chống thiên tai
Liên kết website
Ý kiến ()