Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:49 (GMT +7)
Đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ
Thứ 3, 31/10/2023 | 14:27:37 [GMT +7] A A
Những nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Với chủ đề “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững” từ năm 2020 đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao, phát huy năng lực, trí tuệ, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 2/12/2019 của Tỉnh ủy "Về phương hướng nhiệm vụ năm 2020", các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện chủ đề công tác "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững”. Năm 2020 dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng sâu sắc tới Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nhưng nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC luôn được tỉnh, các ngành, địa phương chú trọng. Càng trong lúc khó khăn, yêu cầu của tỉnh đối với đội ngũ CBCCVC càng cao.
Trong giai đoạn cách ly toàn xã hội bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 tỉnh chủ động yêu cầu các CBCCVC làm việc trực tuyến trên mạng tại nhà để giải quyết các TTHC người dân yêu cầu. Việc quản lý CBCCVC làm việc trực tuyến tại nhà được tỉnh siết chặt bằng những chỉ đạo cụ thể. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chỉ đạo: Cả hệ thống chính trị toàn tỉnh tuyệt đối không được chủ quan trong phòng, chống Covid-19; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, CCVC vi phạm trong thực hiện công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các địa phương quản lý chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động không chấp hành thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, của tỉnh và địa phương trong thực hiện cách ly toàn xã hội, đặc biệt là lạm dụng quỹ thời gian cách ly toàn xã hội để giải quyết việc riêng, trái quy định.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác cán bộ được tỉnh triển khai: Nâng cao chất lượng tuyển dụng; thực hiện tốt việc quy hoạch, bổ nhiệm CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC... Công tác tổ chức tuyển dụng tập trung do tỉnh thực hiện được dư luận đánh giá khá hiệu quả, vừa tuyển dụng được người làm việc có đủ trình độ, đạt yêu cầu, vừa đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và tiết kiệm. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện có nền nếp, bảo đảm thực hiện nghiêm Quy chế điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (Quyết định số 1276-QĐ/TU ngày 20/11/2013 của BTV Tỉnh ủy; trong đó yêu cầu cán bộ đảm nhiệm cấp trưởng không quá 7 năm liên tục ở một chức vụ tại 1 địa phương, đơn vị), bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan; thực hiện luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng, nơi có nhu cầu về cán bộ và giải quyết nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh, của địa phương; không luân chuyển đối với cán bộ có khuyết điểm, hạn chế về năng lực, uy tín.
Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, chất lượng ở tất cả các bước, từ khâu rà soát, nhận xét, đánh giá cán bộ, xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm căn cứ quy hoạch; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ, dân tộc, cơ cấu 3 độ tuổi, phương châm “động”, “mở”, đồng bộ ở cả 3 cấp (cơ sở, huyện, tỉnh), quy hoạch cấp dưới trước, lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn đưa vào quy hoạch; 100% cán bộ được quy hoạch bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn trung ương quy định.
Tỉnh thực hiện nghiêm Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC năm 2020. Theo đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công vụ, ngoại ngữ, tin học, văn hoá công sở, đạo đức công vụ. Đặc biệt là tiếp tục ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC trực tiếp làm công tác chuyên môn, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực mũi nhọn như: Du lịch, dịch vụ, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…
Tỉnh yêu cầu CBCCVC và người lao động cần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tuân thủ nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; thực hiện tốt văn hóa, văn minh công sở. Đồng thời giao các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên không báo trước tại các cơ quan, đơn vị; tập trung kiểm tra về trách nhiệm của CBCCVC trong thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ cương hành chính, thiếu chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của CBCCVC, đặc biệt là các trường hợp chậm trễ, tham nhũng vặt, tiêu cực, hình ảnh phản cảm liên quan đến giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp gây dư luận xấu trong xã hội và nhân dân. Những giải pháp, cách làm trên đã trở thành tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh những năm tiếp theo.
Bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững
Năm 2020, Quảng Ninh là một trong những địa phương trong nước chịu tác động ngay từ đầu và mạnh mẽ nhất từ dịch Covid-19. Nguyên nhân bởi địa bàn có hoạt động du lịch phát triển, lượng người đến tỉnh lớn; có đường biên giới dài, cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc - quốc gia đầu tiên phát hiện dịch bệnh; hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động; cư dân biên giới hoạt động thông thương tần suất lớn… Lường trước những nguy cơ từ dịch Covid-19, từ rất sớm tỉnh đã xây dựng, triển khai nhanh các giải pháp phòng, chống dịch. Quảng Ninh đã hoàn thành trọng trách mà Chính phủ giao phó trong việc đón công dân, người nước ngoài, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch của tỉnh ở mức cao hơn và sớm hơn so với chỉ đạo của trung ương, đảm bảo ứng phó, xử lý linh hoạt, sáng tạo, kịp thời các tình huống phát sinh. Nhờ vậy, dù là địa bàn có rất nhiều nguy cơ dịch Covid-19 lây lan, bùng phát, nhưng tỉnh đã giữ được an toàn trong mọi tình huống.
Đáng chú ý, trong thực hiện “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh cùng lúc tập trung cho cả 2 nhiệm vụ là phòng chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Đứng trước khó khăn do những tác động từ dịch bệnh, nhất là trong các ngành du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những quý đầu năm 2020 đạt mức tăng trưởng thấp, thậm chí có thời điểm không tăng trưởng ở một số chỉ số; doanh nghiệp hoạt động khó khăn, cầm chừng, nguy cơ dừng hoạt động; thu ngân sách sụt giảm mạnh..., tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực dịch vụ, du lịch; thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư;…
Theo đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh là địa bàn chịu tác động rất lớn. Tuy nhiên tỉnh lại là một trong số ít các địa phương từ rất sớm đưa ra được gói kích cầu cho du lịch quy mô lớn, mạnh mẽ và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng, ngay khi trạng thái an toàn được xác lập (cuối tháng 4/2020). Đặc biệt, tỉnh vẫn kiên định với mục tiêu đặt ra năm 2020, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2 con số.
Những quyết tâm của tỉnh đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ghi nhận. Quảng Ninh được Chính phủ lựa chọn là địa bàn đầu tiên trong nước lan tỏa thông điệp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện phòng, chống dịch ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong nước ở thời điểm bước sang quý II/2020. Quảng Ninh đã luôn chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để phát sinh mầm bệnh, giữ vững địa bàn “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn”, tạo điều kiện thuận lợi ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng.
Với những cơ chế, chính sách ưu đãi cùng thiện chí đồng hành, đi đến cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp, mặc dù trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Quảng Ninh vẫn được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế tin tưởng lựa chọn thực hiện các dự án quy mô lớn. Thu hút đầu tư vào các KCN, KKT năm 2020 đạt trên 28.300 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt gần 6 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2019. Đặc biệt, ngành du lịch, dịch vụ có bước khôi phục “thần tốc” với số lượng du khách tăng trưởng tốt, đạt 8,8 triệu lượt năm 2020.
Trong năm 2020, tỉnh khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư 9 dự án, công trình động lực, tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng; các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các dự án trong KKT, KCN, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Triều.. Nền kinh tế phục hồi nhanh đã giúp thu ngân sách địa phương cán đích theo kế hoạch đặt ra, đạt 49.300 tỷ đồng, bằng 103% dự toán, tăng 7% so với năm 2019. Trong đó thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 12.300 tỷ đồng, bằng 112% dự toán, tăng 8%; thu nội địa 37.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 7% so với năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GRDP của Quảng Ninh đạt 10,05%, là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về tăng trưởng. Đây là kết quả khẳng định hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của tỉnh; tạo đà để Quảng Ninh tiếp tục tạo bứt phá phát triển giai đoạn tiếp theo.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()