Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:00 (GMT +7)
Đổi mới, siết chặt quản lý trong đào tạo, sát hạch lái xe
Thứ 2, 15/05/2023 | 22:51:32 [GMT +7] A A
Ngày 15/5, Cục đường bộ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 05/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, mục đích của hội nghị lần này nhằm quán triệt đến cá nhân, tổ chức liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, xác định đây là nhiệm vụ trong tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng về đổi mới, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng và phòng, chống tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông .
Cùng với đó, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; trong đó, lưu ý kiểm tra nội dung đào tạo, thực hành lái xe trên đường đảm bảo quản lý chặt chẽ thời gian và quãng đường học thực hành lái xe; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe vi phạm nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan.
Thảo luận tại hội nghị, ông Ngô Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc đào tạo và sát hạch lái xe được xã hội quan tâm, do đó việc đưa ra các giải pháp, các quy định với mục đích nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, đối với lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe luôn được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT áp dụng nhiều thiết bị máy móc vào quản lý giám sát, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế.
Chẳng hạn như: "thiết bị giám sát quảng đường học lái xe DAT vẫn còn xảy hiện tượng chưa ổn định, nhiều các lỗ phát sinh ảnh hưởng đến đến quá trình học tập của người học, phát sinh chi phí đào tạo, các phiên học không hợp lệ do lỗi thiết bị, việc truyền dữ liệu từ thiết bị DAT trên xe tập lái đến máy chủ của trung tâm đào tạo nhiều lúc bị dán đoạn.
Còn theo ông Bùi Quốc Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I cho rằng, hình thức đào tạo sử dụng cả học trực tiếp và tự học nên để học viên lựa chọn hình thức học và đăng ký với cơ sở đào tạo, vì tuyệt đại đa số người học trong độ tuổi lao động hiện đang làm việc tại các cơ quan công sở, doanh nghiệp và trường học, quỹ thời gian rất eo hẹp. Đào tạo từ xa, online, tự học là xu thế của thời đại khoa học công nghệ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, phần lý thuyết lái xe có 5 môn học; trong đó môn cấu tạo và sửa chữa thông thường (18 giờ). Mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe.
Hoặc như môn pháp luật giao thông đường bộ (90 giờ): Thời lượng nhiều, hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và đối tượng người học.
"Thực tế đa số học viên tự học vì đã có rất nhiều tài liệu và điều kiện tự học. Các cơ sở đào tạo chủ yếu hướng dẫn trên lớp (hoặc học viên tự học) là hoàn toàn nắm được kiến thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu khi thi sát hạch và tham gia giao thông", ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ thêm.
Ghi nhận những chia sẻ và đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các phòng ban chuyên môn, đặc biệt là Phòng Vận tải phương tiện và Người lái nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Xác định rõ trong phân cấp phân quyền, cơ quan Cục Đường bộ Việt Nam làm gì, các Sở Giao thông Vận tải làm gì, các trung tâm làm gì, sai ở đâu, ở đó phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, đưa công nghệ chuyển đổi số vào công tác đào tạo, sát hạch cấp đổi giấy phép lái xe; đào tạo theo hướng mở, rà soát lại chương trình đào tạo xem cái gì bất cập, chưa phù hợp. Bên cạnh đó, sát hạch phải giám sát chặt chẽ hơn, hướng tới đầu ra đạt được chất lượng tốt nhất.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()