Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:48 (GMT +7)
Đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác tổ chức và cán bộ
Thứ 6, 29/04/2022 | 18:14:55 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh;" đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển.
Trong những bước đi tiên phong của Quảng Ninh, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác tổ chức và cán bộ, được trung ương và các tỉnh thành trong cả nước đánh giá cao. Để có thành công đó, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định về công tác tổ chức cán bộ theo hướng đồng bộ, kế thừa, kết nối chặt chẽ giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ: Quy chế làm việc, quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định về luân chuyển cán bộ, quy chế đánh giá cán bộ...; ban hành quy chế làm việc mẫu cho các mô hình thí điểm, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng,... đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng công tác đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, chất lượng. Với quyết tâm mạnh mẽ, cách làm bài bản, sáng tạo, linh hoạt, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành hình mẫu để các địa phương khác trong cả nước nghiên cứu, học tập, làm theo. Đồng thời tạo cơ sở cả về khoa học và thực tiễn để Trung ương tiếp tục hoàn thiện, ban hành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách về đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh đã chủ động, mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế và kiểm soát quyền lực với cách làm khoa học, thận trọng, chắc chắn, coi trọng hiệu quả cuối cùng. Điển hình như là mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh; cơ quan tổ chức - nội vụ, cơ quan UBKT - thanh tra, cơ quan khối MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội ở 13/13 địa phương cấp huyện; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã…. Tỉnh cũng đi sâu sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn; cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. Chỉ đạo triển khai hiệu quả sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó có việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long (thuộc diện khuyến khích).
Song song với đó, Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cụ thể là cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế. Hiện nay, tổng số biên chế công chức của tỉnh thực hiện cắt giảm so với biên chế Trung ương giao năm 2015 là giảm 880/4.600 công chức (19,13%); giảm 2.280/26.770 người làm việc (8,52%), Cán bộ, công chức cấp xã: giảm 466/4.435 người (10,06%); Người hoạt động không chuyên trách cấp xã: giảm 1.524/3.890 người (39,18%); Người hoạt động không chuyên trách thôn, bản, khu phố giảm 1.543/4.629 người (33,33%) do thực hiện chủ trương Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố; đảm bảo mục tiêu giảm theo chỉ đạo của Trung ương. Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tinh giản biên chws 1.337 trường hợp theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và số 113/2018/NĐ-CP. Các chế độ chính sách này được tỉnh thực hiện kịp thời, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên... HĐND tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay đã thực hiện tinh giản 691 trường hợp với tổng kinh phí 130,5 tỷ đồng.
Về đổi mới phương thức công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh thực hiện theo hướng coi trọng chất lượng; mở rộng đối tượng, đảm bảo có cạnh tranh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng. Dành tỷ lệ nhất định trong chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng 302 công chức, trong đó: thạc sỹ 68 (tỷ lệ 22,52 %); đại học loại xuất sắc 06 (tỷ lệ 1,98%), giỏi 30 (tỷ lệ 9,93%), khá 140 (tỷ lệ 46,36%); đại học chính quy 221 (73,18%). Năm 2016, tỉnh xin chủ trương và thí điểm tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã tập trung tại tỉnh, yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn so với quy định của Trung ương. Tỷ lệ công chức được tuyển dụng có trình độ thạc sỹ, đại học và đại học loại khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 96,22%.
Công tác đánh giá cán bộ có bước đổi mới căn bản thông qua Quy chế đánh giá cán bộ; Quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Việc phân cấp đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá trong quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được chú trọng, đảm bảo khách quan, coi trọng kết quả công việc cụ thể, giảm bệnh thành tích. Quy trình bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý được đổi mới theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực (đã ban hành Quy định 288-QĐ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh uỷ). Tiếp tục thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch theo hướng dẫn của Trung ương và Quy chế của tỉnh. Trong giai đoạn 2007 - 2021, toàn tỉnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 2.562 trường hợp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức thi tuyển 25 vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý với 108 ứng viên dự thi; đối với thi tuyển cấp phòng thuộc huyện, sở, ngành đã tổ chức thi tuyển được 308 trưởng, phó phòng và tương đương (136 cấp trưởng; 172 cấp phó).
Công tác quy hoạch cán bộ các cấp bảo đảm chặt chẽ, quan tâm cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng mạnh dạn thực hiện luân chuyển bố trí cán bộ trẻ về cơ sở; tăng cường luân chuyển cán bộ ngang, dọc để đào tạo. Giai đoạn 2007 - 2021, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 3.705 lượt cán bộ. Đồng thời, dành nguồn lực thỏa đáng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lýTừ năm 2007 đến nay, hơn 211.270 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện đổi mới, mở rộng dân chủ trong công tác bầu cử, đã mạnh dạn triển khai có hiệu quả chủ trương thí điểm trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ cơ sở; bầu bí thư tại đại hội cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 355/450 (đạt 79%) đảng bộ cơ sở thực hiện chủ trương trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; có 17/20 (đạt 85%) đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy tại đại hội; nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 408/408 (đạt 100%) đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội bầu trực tiếp bí thư; 19/20 đại hội đảng bộ cấp huyện tiến hành bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại đại hội (trừ các Đảng bộ quân sự tỉnh); 100% bí thư cấp ủy bầu trực tiếp tại đại hội và đều có số phiếu bầu đạt tỷ lệ cao, nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đạt 100% phiếu bầu. Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố đạt 1.452/1.452 (đạt 100%) theo mô hình “Dân tin - Đảng cử”.
Thực tế trên cho thấy, nhờ năng động đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Quảng Ninh đã thành công trong đổi mới công tác cán bộ, góp phần củng cố, nâng cao năng lực, vai trò lãnh đạo của Đảng. Qua đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đóng góp không nhỏ vào quá trình đổi mới hệ thống chính trị của cả nước.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()