4
18
/
1100455
Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể
longform
Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Cover

Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững của tỉnh. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa IX) "Về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh trong văn bản

Xác định vai trò và tầm quan trọng của KTTT, HTX, ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chương trình hành động, đảm bảo tiến độ, thống nhất về nội dung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Các cấp sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, văn bản cụ thể hóa, triển khai các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phát triển KTTT.

Ảnh với chú thích
Vùng trồng dưa vàng của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong tại khu Xuân Viên 3 (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều).

Luật HTX mới được ban hành (năm 2012) với 6 chính sách hỗ trợ: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng KHKT và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chính sách hỗ trợ thành lập mới. Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, văn bản liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thương mại, dịch vụ... Trong đó, có thể kể đến: Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách về đất đai; chính sách tiếp cận nguồn vốn phát triển HTX; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường; chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội...

Ảnh với chú thích
Lãnh đạo Hội nông dân huyện Vân Đồn tư vấn cho HTX Nông trang Vạn Yên về xây dựng thương hiệu OCOP Cam Vạn Yên.

Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã tổ chức hơn 200 lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản trị HTX, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thực hiện ứng dụng KHKT, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, đăng ký logo, nhãn mác, tạo lập thương hiệu cho sản phẩm với hơn 4.500 học viên tham dự. Tỉnh còn đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở HTX; riêng giai đoạn 2019-2020 đã thu hút 7 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc cho HTX nông nghiệp.

Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các HTX đào tạo, tập huấn về KHCN, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, triển khai các ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường KHCN và sở hữu trí tuệ. Hằng năm, tỉnh mở 4-5 lớp tập huấn về KHCN, 15 lớp về quy định sở hữu trí tuệ; nhiều cuộc hội thảo chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN.

Ảnh với chú thích
HTX Dịch vụ thương mại Trung Thái (huyện Hải Hà) áp dụng mô hình trồng rau trong hệ thống nhà màng lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đinh Hằng

Để các HTX nhanh chóng tiếp cận và mở rộng thị trường, hằng năm tỉnh hỗ trợ cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước... Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 240 HTX được hỗ trợ chi phí tham gia gian hàng tại 61 chương trình xúc tiến thương mại trong tỉnh; 25 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tỉnh cũng hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua kết nối 47 sản phẩm nông, thuỷ sản, sản phẩm OCOP; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động phát triển kinh doanh như: Bán hàng qua sàn TMĐT, quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ qua cổng kết nối tiêu thụ của Bộ Công Thương, internet, mạng xã hội Zalo, Facebook...

Các chính sách hỗ trợ này được thực hiện kịp thời đã tạo ra động lực thúc đẩy KTTT, HTX phát triển, bước đầu mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình xây dựng NTM, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn toàn tỉnh.

Ảnh với chú thích
Hội Nông dân TP Hạ Long giải ngân vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho thành viên Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi gà thương phẩm phường Đại Yên.

Ảnh trong văn bản

Theo số liệu thống kê, từ năm 2003 đến nay, khu vực KTTT, nòng cốt là HTX, có bước chuyển biến mạnh mẽ, tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm 2003 toàn tỉnh mới có 261 HTX, thì đến nay là 628 HTX, tăng gần gấp 3 lần, thu hút 54.790 thành viên. Trong đó, 387 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 61,6%), 241 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (38,4%).

Ảnh với chú thích
Xưởng sơ, chế biến dược liệu của HTX Nông dược xanh Tinh Hoa.

Các mô hình KTTT đã từng bước khắc phục những yếu kém của HTX kiểu cũ, hoạt động thích ứng dần với cơ chế mới. Với đa dạng về ngành nghề và địa bàn hoạt động, các tổ chức KTTT đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

Ảnh với chú thích
Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại HTX Mây tre đan Hưng Thành (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên).

HTX Hà Tân (phường Hà Phong, TP Hạ Long) tiền thân là Trại rau Hà Tu, chuyển sang mô hình HTX từ năm 1992. HTX hiện có 64 hộ thành viên, 120 lao động, sản xuất nông nghiệp trên diện tích 12,7ha; có 3 mảng dịch vụ chính: Thủy lợi nội đồng, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những HTX đi đầu toàn tỉnh về chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới.

Chia sẻ về chặng đường phát triển của HTX, ông Lê Văn Xuân, Giám đốc HTX Hà Tân cho biết: Mục tiêu hoạt động của HTX là tổ chức lại sản xuất có quy trình rõ ràng, kiểm soát theo chuỗi từ cây giống đến quy trình trồng trọt, chăm sóc, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn...

Giai đoạn đầu thành lập HTX cũng gặp nhiều khó khăn, hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời từ Chương trình Jica của Nhật Bản, cùng các chính sách hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Kinh tế thành phố và sự tư vấn từ nhiều chuyên gia nông nghiệp, các thành viên HTX thường xuyên được hướng dẫn các kỹ thuật từ làm giống đến trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, thu hoạch... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, từ đầu năm 2016, được sự hướng dẫn của các chuyên gia, HTX đã tổ chức các thành viên triển khai sản xuất RAT theo chuỗi với quy chuẩn VietGAP. Theo đó, các thành viên được hướng dẫn áp dụng rất tốt kỹ thuật quản lý dịch bệnh, có các công thức luân canh, xen canh cây trồng hợp lý...

Với cách tổ chức, vận hành chuyên nghiệp và đầy hiệu quả, đến nay HTX Hà Tân đã khẳng định vị thế vững mạnh, với cách tổ chức sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả, trở thành một trong những điểm sáng KTTT của địa phương. Đến nay, 100% hộ thành viên HTX có kinh tế khá giả.

Hộ anh Viên Đình Tâm (tổ 54b, khu 6, phường Hà Phong) là một trong những thành viên có diện tích sản xuất lớn nhất HTX Hà Tân, với gần 1 mẫu ruộng. Hộ anh Tâm thường xuyên có 4 lao động chính, thu nhập ổn định. Anh Tâm chia sẻ: Từ khi tham gia HTX, được tập huấn và học tập quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP nên chất lượng và năng suất rau của chúng tôi cao hơn trước, thị trường tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Doanh thu mỗi năm đạt hơn 200 triệu đồng.

HTX Hà Tân hiện chuyên cung cấp sản phẩm rau cho thị trường của TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. HTX có cửa hàng chuyên tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm rau sạch tại chợ Hồng Hà (TP Hạ Long), tiêu thụ 10% nông sản của HTX, trở thành kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm rau Hà Tân đến tay người tiêu dùng.

Ảnh với chú thích
HTX Hoa Bình Liêu tạo việc làm cho lao động địa phương.

Việc các HTX có những bước đi mới, cách làm hay kết hợp với các cơ chế, chính sách của tỉnh đã đáp ứng sự kỳ vọng và lợi ích chính đáng của thành viên, người lao động. Các HTX đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho thành viên. Hiện trên 50% số HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả; doanh thu bình quân 600 triệu đồng/năm/HTX, tăng gấp 5 lần so với năm 2003; thu nhập bình quân thành viên, người lao động khoảng 69 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 7 lần so với năm 2003.

Mặc dù hiện tỷ trọng kinh tế HTX còn thấp (đóng góp của KTTT vào GRDP địa phương là 1,2%), không còn giữ vai trò trực tiếp tổ chức, điều hành sản xuất tập trung và chuyển dần sang chức năng làm dịch vụ là chính, nhưng KTTT tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo được công ăn việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho nhiều lao động, nhất là lao động tại khu vực nông thôn; góp phần giảm nghèo, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục phát huy vai trò "hậu cần" hỗ trợ cho phát triển kinh tế hộ, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng xã viên/thành viên.

Ngọc Huyền - Đặng Dung

Đồ họa: Mạnh Hà
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu