Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:44 (GMT +7)
"Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn"
Thứ 4, 19/10/2022 | 10:26:47 [GMT +7] A A
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai. Qua đó, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương... Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh phỏng vấn ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (ảnh) về vấn đề này.
- Ông cho biết, tình hình công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh hiện nay?
+ Đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ với mục tiêu bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, cơ hội học nghề đối với mọi LĐNT; chuyển mạnh đào tạo nghề cho LĐNT từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người học, của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng địa phương.
Hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh chú trọng triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Đề án 1956). Theo đó, giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho khoảng 14.000 LĐNT toàn tỉnh, đạt 90,65% kế hoạch; 92,74% số lao động sau khi hoàn thành các khóa học đã phát huy hiệu quả sau đào tạo, vượt 5,48% so với kế hoạch. Trong năm 2022, đã mở 68 lớp đào tạo sơ cấp nghề cho 1.958 người; trong đó 28 lớp nghề nông nghiệp cho 581 người; 47 lớp nghề phi nông nghiệp cho 1.377 người. Các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực giao nhiệm vụ cho các trung tâm GDNN&GDTX đặt hàng đào tạo sơ cấp nghề đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu, thị hiếu học tập phù hợp với lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn những hạn chế, như: Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho LĐNT, bài toán làm thế nào để đào tạo nghề cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển ngành nghề của địa phương vẫn chưa tìm được lời giải; đội ngũ giáo viên dạy nghề ở cấp huyện còn thiếu, ít kinh nghiệm thực tiễn, nên khó khăn trong truyền đạt kiến thức về nghề; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực trong khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cũng như công tác tổ chức thực hiện…
- Việc làm cho lao động sau đào tạo đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
+ Đào tạo nghề cho LĐNT phải theo nhu cầu học nghề của lao động, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu của thị trường; bảo đảm việc đào tạo thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phải thực hiện gắn kết giữa dạy nghề với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hàng nông sản; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ phụ thuộc vào công tác đào tạo, tìm việc làm, liên kết làm việc với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu, phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp, ký quy chế, tìm kiếm đối tác doanh nghiệp cho LĐNT sau đào tạo nghề với các cơ sở, doanh nghiệp uy tín, như TKV, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết về điện, nước, cơ khí… Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình và giải pháp tạo việc làm cũng được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả.
Trong năm 2022, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho trên 22.000 người, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo đạt từ 80% trở lên. Đào tạo nghề cho LĐNT cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nhân lực đã thúc đẩy chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 50%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Từ năm 2014 đến nay, số việc làm tăng thêm cả tỉnh đạt bình quân trên 18.400 người/năm.
Tỉnh đang tích cực phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) hoàn thiện Đề án "Phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", kinh phí khoảng 1.133 tỷ đồng. Đề án đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...
- Ông cho biết, định hướng công tác đào tạo LĐNT của tỉnh thời gian tới?
+ Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 lao động trong ngành dịch vụ chiếm 49,25%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp 22,11%; ngành công nghiệp - xây dựng 28,64%.
Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường trong tình hình mới, nhất là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của tỉnh dần phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường lao động cũng bị tác động nhiều mặt, nhất là nhân lực phục vụ cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang bị thiếu hụt. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường đào tạo nghề phi nông nghiệp cho những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong tình hình mới, Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho vùng nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.
Đồng thời tuyên truyền thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn. Đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho LĐNT, không đào tạo tràn lan, mà phải phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu.
Minh Đức
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thông báo tuyển dụng lao động năm 2022
- Thương binh có được hưởng thêm trợ cấp mất sức lao động?
- Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động
- "Phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong thi đua học tập, lao động, khởi nghiệp"
Liên kết website
Ý kiến ()