Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:27 (GMT +7)
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế
Thứ 2, 19/06/2023 | 08:30:45 [GMT +7] A A
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã thống nhất một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 là “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp…”. Thực hiện nhiệm vụ này, hơn 2 năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng trưởng xanh, giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững.
Dịch vụ, du lịch ngày càng giữ vai trò chủ đạo
Để tạo động lực tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh chú trọng đầu tư hạ tầng ngành thương mại và du lịch. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ, gắn với khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển. Đồng thời, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, đặc sắc, hiện đại, cao cấp như: Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên, sân golf Đông Triều; Công viên Đại dương Hạ Long; Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, TP Cẩm Phả; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long....
Mặc dù 2,5 năm qua, Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là hoạt động du lịch bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự tự chủ, năng động, hiệu quả, tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế trong và sau đại dịch. Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi quyết sách đúng đắn đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, linh hoạt thích ứng an toàn bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp phục hồi, hỗ trợ kích cầu du lịch. Nhờ đó, du lịch Quảng Ninh đã phục hồi mạnh mẽ, tổng số lượt khách nội địa tương đương thời điểm trước đại dịch.
Trong 2,5 năm qua, tỉnh đã đón 24,18 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 47.050 tỷ đồng. Trong đó: Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 11,6 triệu lượt (trong đó có 304.000 lượt khách quốc tế), gấp 2,6 lần cùng kỳ, doanh thu từ du lịch đạt 22.599 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ; đóng góp 5,7% trong GRDP, tăng 3,3 điểm % so với năm 2021 (là 2,4%) nhưng vẫn thấp hơn 5,8 điểm % so với năm 2019 (là 11,5%); 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch ước đạt 8,2 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ, mục tiêu cả năm 2023 thu hút 15 triệu lượt du khách (dự kiến cao hơn 1 triệu lượt khách so với năm 2019).
Theo Báo cáo đánh giá chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 đối với 15 tỉnh/thành phố theo các nhóm, trụ cột, Quảng Ninh có vị trí xếp hạng cao (đứng thứ 2 chỉ sau Đà Nẵng). Vịnh Hạ Long được chuyên trang du lịch của hãng CNN bình chọn là một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới...
Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, lưu ý phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, trriển khai tổ chức các chương trình đào tạo, giới thiệu nhân lực du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp; làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tổ chức thu hút các dự án về lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết với các địa phương trong cả nước để thúc đẩy phát triển du lịch.
Cùng với du lịch, hoạt động thương mại nội địa dần được hồi phục và đạt mức tăng trưởng khá. Đến nay, toàn tỉnh có 136 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 142 cửa hàng tiện ích, 25 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP; 6 kho, 218 cửa hàng xăng dầu. So với năm 2020 tăng 3 chợ, 71 cửa hàng tiện ích, 1 cửa hàng xăng dầu; giảm 1 siêu thị.
Cùng với du lịch, sau dịch Covid-19, hoạt động trao đổi thương mại nội địa của Quảng Ninh dần được hồi phục và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 tăng 6,1% cùng kỳ; năm 2022 tăng 21,4% cùng kỳ, dự kiến năm 2023 tăng 18,7%; tăng bình quân 2021-2023 đạt 15,2% (mục tiêu tăng 17-18%). Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp vào phát triển kinh tế số. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 148 website về thương mại điện tử, trong đó có 143 website có chức năng bán hàng, 5 website có chức năng là sàn giao dịch. Doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá. Hiện tỉnh triển khai áp dụng mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại tất cả các chợ trên địa bàn TP Hạ Long và triển khai thí điểm “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố còn lại.
Cùng với đó, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển nối TP Hạ Long với TP cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Triều (kết nối TX Đông Triều, Quảng Ninh với TX Kinh Môn, Hải Dương) hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã giúp dịch vụ vận tải có bước tăng trưởng khá. Đặc biệt, các hãng tàu vận tải container quốc tế lớn nhất trên thế giới đã đặt vận tải tuyến cố định tới CICT Cái Lân (TP Hạ Long), từ đó thúc đẩy hoạt động vận tải kho bãi phát triển, hoạt động vận tải hàng hóa tăng cao. Khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 359 triệu tấn, bình quân 3 năm tăng 18,5%/năm; vận tải hành khách đạt 319 triệu lượt, bình quân tăng 9,7%/năm; doanh thu vận tải ước đạt 79.575 tỷ đồng, tăng bình quân 18,3%/năm
Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp
Để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, Quảng Ninh đã tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường vào GRDP và thu ngân sách. Đồng thời, chủ trương phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch.
Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh xác định ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Ngay từ những bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới, với tinh thần hành động, khẩn trương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Các địa phương, ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy nhằm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.
Nhờ đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra như: Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần, năm 2021 chiếm 11,3% (năm 2020 chiếm 9,8%), năm 2022 chiếm 11,5%; dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 tăng 30,73%, năm 2022 tăng 16,54%; bình quân tăng trưởng 2021-2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết là 17%/năm), 6 tháng đầu năm 2023 tăng 12,4%. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 2 năm đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD (đạt trên 80% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng 15.686 người (đạt 130,7% so với mục tiêu, bình quân tăng thêm 12.000 lao động/2 năm).
Việc phân bổ không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đã được thể hiện rõ nét. Hạ tầng giao thông kết nối được quy hoạch, đã và đang được triển khai đồng bộ tạo hành lang kết nối thuận lợi hai phía Đông - Tây tỉnh, kết nối thuận tiện đến các KKT, KCN, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Cùng với đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Sản lượng than sạch năm 2021 đạt 45,116 triệu tấn, tăng 8,8% so với năm 2020; năm 2022 đạt 45,225 triệu tấn, tăng 0,24% so với năm 2021; dự kiến năm 2023 đạt 45,225 triệu tấn, tương đương với năm 2022, tăng trưởng bình quân tăng 4,4%/năm. Trong bối cảnh ngành dịch vụ còn phục hồi chậm, tỉnh đã tập trung vào ngành khai khoáng, tuy nhiên tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống còn 18,3% năm 2022 phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh. Quảng Ninh cũng từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch của Chính phủ.
Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch triển khai kết quả dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hằng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. Đồng thời, quan tâm sử dụng nguồn kinh phí thu được từ phí, thuế bảo vệ môi trường.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là không thu hút đầu tư bằng mọi giá; không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tỉnh quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Đồng thời, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các-bon thấp. Từ đó, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã thống nhất một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng: (1) Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (2) Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. (3) Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao. (4) Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế. (5) Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. |
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()