Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm
Thứ 3, 12/10/2021 | 17:49:40 [GMT +7] A A
Sáng 12/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về Đề án xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Đây là một trong 15 đề án, chương trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Từ hình thành khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của tỉnh là KCN Cái Lân vào năm 1997, tới nay, Quảng Ninh có tới 5 Khu kinh tế (KKT), 10 KCN và 7 Cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, các KKT cửa khẩu và KKT ven biển có quy mô lớn, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh. Riêng 2 KKT ven biển của Quảng Ninh chiếm 9% tổng diện tích đất các KKT ven biển cả nước.
Các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng, đang từng bước khẳng định là mũi đột phá, hạt nhân động lực phát triển kinh tế xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KKT, KCN, CCN và các dự án thứ cấp đạt khoảng 7,4 tỷ đô la mỹ, trong đó, có 85 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 4,18 tỷ đô la mỹ.
Riêng năm 2020, doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khoảng 167,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,4% tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN, CCN ước khoảng 37,3%, tăng 36% so với 2015.
5 năm qua, các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp từ 3-4% vào tổng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các KKT, KCN, CCN phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có và cũng chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thiếu nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò dẫn dắt và là “cục nam châm lớn” thu hút mạnh các nhà đầu tư vừa và nhỏ; các dự án FDI vào các KCN, KKT còn hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư mang lại giá trị gia tăng chưa cao; các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều; phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến còn chậm; tỷ lệ lấp đầy trong các KCN còn thấp; một số dự án sử dụng nguồn lao động phổ thông, năng suất không cao và thiếu một số điều kiện nền tảng để tạo sức cạnh tranh nhân lực vượt trội, đặc biệt là điều kiện sinh sống ổn định cho lao động nhập cư như nhà ở, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa.
Đề án xây dựng, phát triển bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2040 được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao BQL KKT, Sở Công thương và BQL KKT Vân Đồn phối hợp với các sở ngành địa phương liên quan tham mưu xây dựng với sự tham gia tư vấn của Viện nghiên cứu phát triển bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đề án được xây dựng công phu, khoa học, đi sâu phân tích thực trạng xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN của tỉnh những năm qua, so sánh và nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương trong nước và một số quốc gia khác. Qua đó, đề ra được các giải pháp mang tính chiến lược liên quan tới tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN; hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển các KKT, KCN, CCN; huy động nguồn lực đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; phát triển, quản lý nguồn nhân lực; xây dựng và thực thi một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch các KKT, KCN, CCN; tăng cường liên kết vùng, khu vực, quốc tế và bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, cùng các cơ quan trực tiếp tham gia thực hiện và các ý kiến tham góp đầy tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, những năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, các KKT, KCN, CCN đã đóng góp vai trò quan trọng vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả phát triển KKT, KCN, CCN của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực tổng hợp khác biệt. Một trong những nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, nhất là liên quan tới vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong khi nguồn nhân lực, hạ tầng xã hội còn những nút thắt phải sớm tháo gỡ.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia, BTV Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, nội dung trọng tâm của đề án làphát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Trong đó, mục tiêu cốt lõi là đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT; phát triển theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm, tạo đột phá phát triển đóng góp vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, thu hút lao động chất lượng cao, có kỹ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; góp phần thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đề án phải nêu rõ quan điểm - phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên; tận dụng thời cơ, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN trở thành động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò của Cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc trong trạng thái bình thường mới; có hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên thông, tổng thể; thuận lợi về kết nối giao thông nội vùng, liên vùng, quốc tế, quản trị hiện đại, thực sự trở thành các trọng điểm thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để tạo đột phá phát triển công nghiệp, ưu tiên là công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch, dịch vụ, kinh tế biển gắn với kinh tế đô thị. Phát triển các KKT, KCN thành những thực thể có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Chú trọng phát triển KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp; phát triển mô hình KKT - KCN - khu đô thị - dịch vụ - trung tâm logistics tạo thành tổ hợp phát triển hiện đại, công nghệ cao, sạch, thông minh; gắn phát triển KKT, KCN với quá trình đô thị hóa, tăng quy mô và chất lượng dân số, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân và người lao động. Tăng cường tính liên kết giữa các KKT, KCN của Quảng Ninh và giữa Quảng Ninh với Hải Phòng để phát triển CCN theo mô hình KCN – đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm sản xuất có quy mô trong KCN, KKT; tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là mạng lưới công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện thành công 3 khâu đột phá Đại hội XV là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể. Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết trong thu hút đầu tư.
Đối với định hướng phát triển đối với từng KKT phải luôn bám sát các Quy hoạch, định hướng phát triển mới của Chính phủ, của tỉnh. Đối với KKT cửa khẩu Móng Cái hướng tới trở thành Khu thương mại trọng điểm hiện đại cấp quốc gia – làm tổ hợp của khu thương mại trọng điểm, trung tâm logistics, KCN công nghệ cao và kinh tế đêm. Với KKT Vân Đồn, phát triển tổ hợp du lịch – dịch vụ - đô thị biển đảo – công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao trong tổ hợp du lịch quốc gia tầm quốc tế Hạ Long – Bái Tử Long – Lan Hạ, Cát Bà. Về KKT ven biển Quảng Yên, xây dựng và phát triển KKT Quảng Yên để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn hạt nhân và động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao – đô thị hiện đại, liên kết chuỗi công nghiệp hỗ trợ với KKT Đình Vũ – Cát Hải và cảng Hải Phòng
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, không chỉ phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh trước mắt mà còn mang tính lâu dài. Các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thiện Đề án để BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa 15 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đóng góp vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách của tỉnh, thu hút lao động chất lượng cao, có kỹ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số và tạo đột phá cho các KKT, KCN trở thành động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò của Cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc trong trạng thái bình thường mới.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()