Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:33 (GMT +7)
Huyện Ba Chẽ: Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục
Thứ 7, 07/09/2024 | 05:38:04 [GMT +7] A A
Phát huy những kết quả đạt được, ngành Giáo dục Ba Chẽ bước vào năm học mới với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo.
Năm học 2023-2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, huyện chỉ đạo ngành Giáo dục khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong năm học. Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới đã được huyện triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, từng bước phát huy được ưu điểm nổi bật, giúp chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Những gì khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã được chủ động tháo gỡ. Đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình. Tổ chức quản lý dần chuyển theo hướng quản trị nhà trường. Chất lượng đại trà tiếp tục được nâng lên và đi vào thực chất. Giáo dục mũi nhọn cấp THCS vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, cơ bản đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT hiện nay; có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, đã tích cực, chủ động tham gia bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học. Công tác giáo dục hướng nghiệp được chú trọng. Hoạt động giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống; giáo dục kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm cho học sinh, nhất là hoạt động dạy bơi phòng, chống đuối nước, được quan tâm. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất được đầu tư trọng điểm, theo tiến độ. Nhiệm vụ kiểm định chất lượng, xây dựng trường chuẩn quốc gia được tích cực triển khai theo kế hoạch. Công tác truyền thông về giáo dục được thực hiện hiệu quả. Ngành Giáo dục huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, dạy và học.
Năm học 2024-2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp. Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của tỉnh, huyện Ba Chẽ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, với chủ đề năm học 2024-2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.
Để làm tốt điều đó, huyện tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Huyện xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình để tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu giáo viên theo biên chế, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT huyện tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, thể chất, y tế trường học, quốc phòng an ninh, phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, tội phạm cho học sinh. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập; triển khai xây dựng bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến dùng chung đảm bảo hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu tổ chức dạy học trực tuyến của các cơ sở giáo dục.
Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ: “Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo gắn với xây dựng văn hóa con người Ba Chẽ” Ngành GD&ĐT huyện; các cơ quan, đơn vị liên quan; các xã, thị trấn tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên trong nhà trường; phát huy rõ nét vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các trường học trong việc bao quát, quản lý, điều hành mọi hoạt động của nhà trường; cần bám sát tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TU của Tỉnh ủy, chương trình, kế hoạch và chủ đề năm học của tỉnh và thực tế địa phương, các nhà trường để xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả và kiểm đếm được"; rà soát toàn bộ các quy chế, quy định, văn hóa văn minh trong trường học. Tiếp tục rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên, trang thiết bị giảng dạy, học để tham mưu, đề xuất, từng bước hoàn thiện; linh hoạt cơ cấu lại gắn với việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo giai đoạn 2024-2030; nâng chuẩn trình độ cho giáo viên theo đúng lộ trình của tỉnh, phấn đấu 100% giáo viên trong diện đào tạo đạt chuẩn vào năm 2025 theo lộ trình của tỉnh. Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo cần gắn với xây dựng văn hóa con người Ba Chẽ theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy. |
Bà Bằng Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ: "Tăng cường giáo dục di sản văn hoá cho học sinh" Phát huy các kết quả đạt được, năm học 2024-2025 Trường tiếp tục tập trung học sinh các xã xa về trường, tuyển theo chỉ tiêu của huyện. Thực tế học sinh nhà trường đã tựu trường trước 2 tuần so với kế hoạch chung của tỉnh để cho các em có thể làm quen với nền nếp học tập, sinh hoạt, môi trường mới. Năm học này, Trường triển khai nhiều nội dung giáo dục địa phương thông qua trang phục dân tộc. Mỗi học sinh có trang phục dân tộc của mình. Các em sẽ mặc sáng thứ hai hằng tuần và các ngày lễ, Tết. Trường sẽ tổ chức cho học sinh sưu tầm trang phục văn hoá dân tộc, tổ chức giáo dục địa phương, giáo dục di sản văn hoá cho học sinh được học kỹ thuật may thêu trang phục truyền thống, biểu diễn dân ca, dân vũ của các dân tộc; tham gia các lễ hội dân gian, tham quan di tích lịch sử, khuyến khích các em xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp từ việc khai thác di sản văn hóa địa phương, nghiên cứu sưu tầm văn hóa các dân tộc. |
Thầy giáo Hoàng Văn Ngư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồn Đạc: ''Sử dụng tốt hơn tài liệu giáo dục địa phương" Trường hiện có lệ học sinh DTTS trên 70%. Chúng tôi luôn giáo dục cho học sinh tinh thần và tình yêu vốn văn hóa dân tộc, biết tìm hiểu và bảo tồn văn hóa người Dao, thực hiện mặc trang phục dân tộc, học may thêu quần áo dân tộc. Đồng thời chúng tôi cũng phổ biến quán triệt đến giáo viên hướng dẫn sử dùng tài liệu giáo dục địa phương, tích hợp vào chương trình ngoại khoá. Song song với giáo dục đại trà, chúng tôi tập trung giáo dục mũi nhọn tiệm cận dần với Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ là một trong 2 trường có chất lượng mũi nhọn. Để giáo dục học sinh tốt hơn, các thầy, cô giáo phải gắn bó với địa bàn, trở thành người thân thiết trong các gia đình người DTTS, thiết thực nhằm khơi dậy sự ham thích đến trường của các em. |
Cô giáo Bùi Thị Thiêm, Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ: "Tích cực vận dụng CNTT vào dạy học" Giáo viên làm công tác chủ nhiệm như tôi thường dạy cả môn ngữ văn và môn toán. Tại nhà trường, tỷ lệ học sinh DTTS ít hơn ở các xã khác. Cơ bản học sinh ngoan, nhanh nhẹn, tự tin hơn so với những nơi khác. Vì học sinh thông minh hơn nên việc tiếp thu cũng tốt hơn, việc dạy học của chúng tôi cũng ít phải sử dụng 2 ngôn ngữ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Trong giáo dục hiện đại, học sinh giữ vai trò trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, đồng hành, giúp học sinh tiếp cận kiến thức. Chúng tôi cũng có điều kiện để tìm tòi những giải pháp mới đưa vào dạy học. Trong quá trình học tập căng thẳng, các nhóm có thể nghỉ tại chỗ với một trò chơi nhằm thư giãn, sau đó tiếp tục học tập. Giáo viên có thể cho học sinh tham gia các trò chơi vận dụng CNTT, áp dụng dạy học hiện đại, học sinh dễ dàng tiếp cận cái mới, thuận lợi đổi mới giáo dục ở địa phương. |
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()