Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:24 (GMT +7)
Đổi mới giảng dạy lý luận chính trị trong trường học
Thứ 3, 04/06/2024 | 09:28:10 [GMT +7] A A
Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, xây dựng nền tảng vững chắc lý luận chính trị cho mọi người dân, trong đó có học sinh, sinh viên luôn được Quảng Ninh quan tâm.
Trường Đại học Hạ Long đã có 3 ngành trình độ thạc sĩ, 17 ngành trình độ đại học, 2 ngành trình độ cao đẳng và 5 ngành trình độ trung cấp khối nghệ thuật. Năm 2023, Trường có 5.084 sinh viên hệ đại học, chiếm 93,6% quy mô toàn trường. Để đưa giáo dục LLCT vào giảng dạy cho sinh viên, trường sử dụng giáo trình 5 môn LLCT do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, được cập nhật bổ sung, sửa đổi hằng năm đối với hệ cao đẳng sư phạm, đại học. Đồng thời, trường cũng sử dụng giáo trình giáo dục chính trị đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp.
Các nội dung giáo dục LLCT được trường xây dựng đề cương chi tiết đã thống nhất lựa chọn những vấn đề cốt lõi, quan trọng để giảng dạy, vận dụng những nội dung học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Xây dựng được ngân hàng đề thi các môn LLCT, hướng dẫn sinh viên ôn tập vào cuối học phần.
Không chỉ với Trường Đại học Hạ Long, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 94- KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân gắn liền với triển khai những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương và các chương trình, kế hoạch của tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 30 cơ sở công lập và 12 cơ sở thuộc doanh nghiệp và được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Các trường đều triển khai thực hiện đúng quy định trong việc đưa nội dung giáo dục LLCT vào giảng dạy; đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung các nội dung giảng dạy về giáo dục chính trị sau mỗi khoá học hoặc ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và tổ chức đảng cấp trên.
Không chỉ với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tại hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn, việc triển khai học tập LLCT được lồng ghép, gắn với giảng dạy và học tập các môn đạo đức, giáo dục công dân. Thông qua đó, phổ biến tới học sinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sở GD&ĐT đã nghiên cứu, biên soạn tài liệu lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy ở cấp THCS và THPT trong tỉnh.
Với yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học trong học tập LLCT, trước hết, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy LLCT. Hằng năm, giáo viên, giảng viên dạy LLCT được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, được tham gia đầy đủ các buổi quán triệt, nghiên cứu các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, triển khai học tập học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đều tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ làm công tác quản lý học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy môn chính trị tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở giáo dục chỉ đạo giáo viên, giảng viên tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, sinh viên. Qua đó, phương pháp dạy học tích cực, như: Phương pháp động não, phương pháp nêu vấn đề, thảo luận nhóm... được phát huy.
Trong các giờ giảng, giáo viên, giảng viên tăng cường các hình thức đối thoại, phát huy tính độc lập của học sinh, sinh viên; ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, xây dựng bài giảng điện tử trình chiếu các video, clips, hình ảnh liên quan đến bài giảng để tạo hứng thú cho người học trong học LLCT.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã khuyến khích, động viên sinh viên tham gia Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin cấp tỉnh và toàn quốc, tham gia cuộc thi trực tuyến "Ánh sáng soi đường", "Tuổi trẻ học tập và làm theo Bác"... Chủ động tổ chức hoạt động ngoại khóa kết hợp các nội dung thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, về Bác Hồ, về tỉnh Quảng Ninh... để mở rộng kiến thức và hiểu biết của học sinh, sinh viên.
Với việc linh động, đổi mới, đa dạng phương pháp giáo dục LLCT trong hệ thống các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục phổ thông đã góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; góp phần giúp họ trở thành những công dân tích cực, gương mẫu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()