Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:11 (GMT +7)
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước
Thứ 5, 05/08/2021 | 22:15:37 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 5/8/2021 về nâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cần bảo đảm nguyên tắc phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước, chức năng cung ứng dịch vụ công, việc cung ứng dịch vụ phục vụ quản lý Nhà nước, tách bạch cơ chế quản lý của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập |
Chỉ thị nêu: Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng; chất lượng công việc được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ; các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước chủ động sử dụng nguồn lực tài chính được giao theo quy định để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị phục vụ cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; góp phần bảo đảm thu nhập, đãi ngộ hợp lý, thu hút được đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao phục vụ công việc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí gắn với thực hiện có chất lượng nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù còn một số hạn chế, khó khăn, cụ thể: Tính pháp lý về thẩm quyền và quy định pháp luật chưa đồng nhất, trong đó thẩm quyền quyết định cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù được quy định ở nhiều cấp và bằng các hình thức văn bản khác nhau; mức độ tự chủ về nguồn lực tài chính của các cơ quan có sự khác nhau tạo ra sự chênh lệch về thu nhập giữa các vị trí công việc tương đương trong các đơn vị thuộc cùng một bộ, ngành cũng như giữa các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành khác cùng thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước; phân phối thu nhập ở một số đơn vị còn mang tính cào bằng, bình quân; thiếu các chỉ tiêu cụ thể đánh giá kết quả, hiệu quả công việc; chưa bảo đảm sự khách quan, công khai, minh bạch...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả thực hiện và đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18-NQ/TW) và Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW); thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 9/10/2020 của Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương, điểm d khoản 3 Mục II Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung chủ yếu.
Tách bạch cơ chế quản lý của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập
Chỉ thị nêu rõ mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm định hướng:
1. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cần bảo đảm nguyên tắc phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước, chức năng cung ứng dịch vụ công, việc cung ứng dịch vụ phục vụ quản lý Nhà nước, tách bạch cơ chế quản lý của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện thống nhất chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
2. Tiếp tục phát huy kết quả tích cực của cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước có nguồn tài chính hợp pháp theo quy định pháp luật (từ nguồn thu phí được để lại chi, từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ) bảo đảm bù đắp chi hoạt động của cơ quan; các cơ quan quản lý hành chính đã được cấp có thẩm quyền giao khoán ổn định biên chế và dự toán chi ngân sách Nhà nước trong thời gian từ 3 đến 5 năm.
3. Các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước được áp dụng cơ chế quản lý tài chính có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được giao theo chế độ quy định, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các quy định pháp luật liên quan; nêu cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài chính trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự công khai, minh bạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong việc quản lý thu, chi tài chính của cơ quan.
Năm 2022, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15%
Chỉ thị cũng nêu rõ lộ trình và giải pháp thực hiện. Theo đó, từ năm 2021 cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021, thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán được giao năm 2020. Đối với dự toán năm 2022, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán năm 2021 (ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo chế độ quy định) để tiết kiệm chi hoặc tăng thu ngân sách Nhà nước.
Trước ngày 15/8/2021, yêu cầu các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước tự bảo đảm chi hoạt động từ nguồn tài chính hợp pháp theo quy định pháp luật (nguồn thu dịch vụ, nguồn thu phí được để lại theo chế độ); các cơ quan quản lý hành chính đã được cấp có thẩm quyền giao khoán ổn định biên chế và dự toán chi ngân sách Nhà nước trong thời gian từ 3 đến 5 năm thực hiện đánh giá việc thực hiện cơ chế tài chính gắn với đặc thù của cơ quan, đơn vị thời gian qua và đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (trong đó có giải pháp phù hợp bảo đảm nguồn cho việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và các khoản chi cần thiết khác ngoài tiền lương, thu nhập) gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất đổi mới cơ chế tài chính gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong giai đoạn tới báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Rà soát, bãi bỏ chế độ chi bồi dưỡng, các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ NSNN
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù và các bộ, ngành có các cơ quan hành chính trực thuộc được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị chuẩn bị các công việc cần thiết để triển khai thực hiện theo lộ trình trên, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính; sử dụng kinh phí đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các vi phạm.
b) Rà soát các văn bản do bộ, cơ quan Trung ương ban hành, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền để bãi bỏ nội dung liên quan đến chế độ chi bồi dưỡng, các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (như: Tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo....), trong đó xác định rõ thời gian hoàn thành để bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
c) Rà soát, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; bố trí viên chức hoặc người lao động đúng chức trách, nhiệm vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực.
d) Phân tích, đánh giá và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (trong đó có giải pháp, cơ chế bảo đảm nguồn cho việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và các khoản chi cần thiết khác, ngoài tiền lương, thu nhập) trên cơ sở quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, phí và lệ phí và các quy định pháp luật có liên quan; xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 của cơ quan, đơn vị theo cơ chế trên, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (tháng 10/2021).
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ hoàn thiện quy định về chế độ công chức, công vụ, xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức của đơn vị quản lý gắn với chức danh, chức vụ, nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đánh giá cán bộ, công chức gắn với cải cách chính sách tiền lương để phát huy trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc./.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()