Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:13 (GMT +7)
Đối mặt nguy cơ “dịch chồng dịch” khi miễn dịch của quần thể giảm
Thứ 6, 18/02/2022 | 22:43:25 [GMT +7] A A
Hằng năm, trên thế giới có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa với 3-5 triệu ca bệnh nặng, trong đó có đến 650.000 ca tử vong - tương đương 01 phút có 01 người tử vong vì bệnh cúm.
Cúm mùa không chỉ là bệnh lý đường hô hấp thông thường mà còn là tác nhân gây trầm trọng hơn các bệnh lý nền khác như bệnh lý tim mạch (tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ), thậm chí dẫn đến tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, nhiều người còn lơ là, chủ quan trong phòng ngừa cúm vì cho rằng COVID-19 và cúm là giống nhau. Tuy nhiên đây là hai bệnh khác nhau do các virus khác nhau gây ra. Vì vậy, mỗi người dân cần nhận thức đúng để tiêm phòng vaccine cúm, xua tan nỗi lo “dịch chồng dịch.”
Thông tin trên được Hội Y học Dự phòng Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm “Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh COVID-19”.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa với 3-5 triệu ca bệnh nặng, trong đó có đến 650.000 ca tử vong (tương đương 01 phút có 01 người tử vong vì bệnh cúm). Hầu hết trường hợp tử vong liên quan tới cúm xảy ra ở người cao tuổi (> 65 tuổi).
Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa - Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phân tích ai cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm mùa gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Biến chứng cúm mùa có thể gây ra tình trạng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn bệnh lý đang có ở trẻ em và góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể hồi phục trở lại với đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng.
“Đặc biệt, cúm mùa có thể thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch,” Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa chỉ rõ.
WHO nhận định khi đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ít người tiếp xúc với virus đường hô hấp theo mùa, thì khả năng miễn dịch của quần thể giảm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tiêm phòng cúm hàng năm vẫn rất quan trọng để đảm bảo khả năng miễn dịch của quần thể, giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm, từ đó giảm nguy cơ đồng nhiễm bệnh cúm và COVID-19.
Chính vì vậy, các cơ quan y tế trên thế giới (WHO, US-CDC) và Bộ Y tế Việt Nam hằng năm vẫn đưa ra khuyến cáo người dân cần tiêm vaccine cúm là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra.
Ngoài ra, tiêm ngừa cúm cũng giúp giảm nguy cơ nhập viện, hạn chế quá tải hệ thống y tế vốn đang chịu nhiều áp lực từ COVID-19 và cũng giúp giảm số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả cúm và COVID-19.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Hiện nay, thời tiết đang là mùa Đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lây lan, vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa Đông Xuân.
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm cúm mùa (kể cả những người khỏe mạnh) và các biến chứng do cúm gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao bao gồm: Người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền mạn tính (như tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD, đái tháo đường…), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời./.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây: 1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. |
Liên kết website
Ý kiến ()