Bryan Amaral, người phụ trách cấp cao tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian, Hoa Kỳ cho biết các loài động vật cũng có thể chảy nước mắt, nhưng nó chỉ là phản xạ để bôi trơn giác mạc.
Nếu anh ấy nhìn thấy một con vật nào trong vườn thú "khóc" quá nhiều, Amaral sẽ lập tức gọi bác sĩ thú y thay vì ngồi tâm sự với nó. Mắt của con vật này có thể đã bị nhiễm trùng hoặc giác mạc của nó đã bị xước.
Chỉ có con người mới rơi nước mắt khi xúc động
Sự thật là không phải chỉ có mình tôi lầm tưởng về những giọt nước mắt của động vật. Rất nhiều người cũng từng mủi lòng khi thấy thú cưng của mình chảy nước mắt.
Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, cũng từng nghĩ động vật khóc khi buồn. Ông ấy đã miêu tả những giọt nước mắt của voi Ấn Độ lúc hấp hối và kể về một con khỉ macaque ở Vườn thú London biết khóc.
Tuy nhiên, các nhà sinh vật học hiện đại không đồng ý với Darwin. Họ cho biết trong khi tất cả các loài động vật trên cạn đều có khả năng tiết nước từ tuyến lệ, mục đích chính của phản xạ đó chỉ là để giữ ẩm, bôi trơn và làm sạch mắt.
Các loài động vật tiết nước mắt trong hai trường hợp: Một là nước mắt cơ bản, dùng để làm ẩm và bảo vệ giác mạc khỏi bị khô do gió hoặc nhiệt độ cao làm bay hơi nước. Hai là nước mắt phản xạ được tạo ra với khối lượng lớn hơn, khi mắt của chúng bị kích ứng bởi ánh sáng chói, các hạt bụi hoặc bị vật thể lạ chọc vào mắt. Ăn quá cay hoặc khi nôn mửa cũng có thể tạo ra nước mắt phản xạ.
Con người có cả hai loại nước mắt này giống với động vật. Nhưng chỉ con người mới sở hữu loại nước mắt thứ ba, tiết ra khi chúng ta xúc động. Những giọt lệ này rơi ra khỏi mắt khi chúng ta buồn, vui, ấm ức, tức giận và biết ơn. Nó được coi là một trong những đặc trưng duy nhất của loài người bên cạnh ý thức, trí tuệ và khả năng sáng tạo.
Kim A. Bard, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Portsmouth cho biết ngay cả các loài linh trưởng có họ hàng gần với chúng ta nhất cũng không thể hiện cảm xúc bằng nước mắt. Khi đau buồn hoặc sợ hãi, chúng thường chỉ rên rỉ hoặc kêu gào chứ không hề khóc.
Giáo sư Vingerhoets đồng ý với điều đó. Ông nhấn mạnh trong cuốn sách của mình: "Khi nói đến những giọt nước mắt xúc động, con người chúng ta là loài duy nhất thể hiện chúng. Tất cả các loài động vật có vú chỉ phát ra tiếng kêu thống khổ, chẳng hạn như trường hợp một con non bị tách ra khỏi mẹ của nó. Chỉ có con người thì mới khóc".
Tại sao chúng ta khóc?
Theo tiến sĩ Thomas Dixon, giám đốc Trung tâm Lịch sử Cảm xúc tại Đại học London: Khóc dường như là một phản xạ ra đời từ quá trình tiến hóa của loài người. Những đứa trẻ sơ sinh trong quá khứ sẽ nhắm mắt thật chặt để bảo vệ cơ quan quan trọng này khi chúng gào thét đòi mẹ. Phản ứng ban đầu này không có gì khác với các loài linh trưởng như khỉ hoặc tinh tinh.
"Nhưng ở con người, nhắm mắt chặt sẽ làm co các tuyến nội tiết và nước mắt sẽ ứa ra. Một quá trình liên kết thầm lặng sau đó dần gán ghép phản ứng này vào tất cả các loại cảm xúc đau khổ khiến chúng ta biết khóc", Dixon nói.
Giáo sư Vingerhoets cho biết thêm khóc không chỉ là một phản ứng tiến hóa theo giống loài, mà nó còn phát triển theo độ tuổi. Chẳng hạn như càng lớn lên, bạn càng khóc nhỏ đi. Giống như con người khi khóc không kêu gào giống như các loài vượn và khỉ nữa, người lớn sẽ không khóc thành tiếng giống như trẻ con. Thay vào đó, họ phát triển khả năng thể hiện cảm xúc qua nước mắt.
Ở loài người, nước mắt đã phát triển thành một tín hiệu giao tiếp ở cự ly gần, cho phép chúng ta ra dấu với những người khác rằng mình đang dễ bị tổn thương và cần được hỗ trợ. Trong những thí nghiệm kinh điển, các nhà khoa học đã cho tình nguyện viên xem hình ảnh của cùng một khuôn mặt khi có và không có nước mắt. Kết quả là những khuôn mặt có nước mắt đã gợi lên sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ hơn những bức ảnh còn lại.
Đây là giả thuyết hàng đầu giải thích tại sao chúng ta khóc, trong đó, nước mắt là một phương tiện để gắn kết người với người, tạo ra sự đồng cảm và tương trợ trong giống loài của mình. Đó là lý do khi lớn lên bạn cũng bắt đầu khóc không phải cho sự đau khổ của chính bản thân mình, mà còn vì sự đau khổ của những người khác, giáo sư Vingerhoets nói.
Thậm chí điều này có thể xảy ra ngay cả khi "người khác" ở đây không có thật. Số phận bi đát của một nhân vật trong sách, phim ảnh hoặc một vở bị kịch cũng có thể lấy đi nước mắt của bạn.
Chúng ta khóc ngay cả khi ở một mình
Nhưng nếu nước mắt là một tín hiệu giao tiếp, nhiều người sẽ thắc mắc tại sao chúng ta cũng hay khóc khi ở một mình? Tiến sĩ Dixon cho biết bản chất của việc khóc một mình vẫn là một loại hình giao tiếp. Ở đây, con người luôn cảm thấy họ được quan sát bởi "một khán giả tiềm năng", chẳng hạn như Chúa hoặc ông Bụt, những thế lực siêu nhiên có thể giúp đỡ họ.
Ngoài ra, khóc một mình cũng là một hình thức giao tiếp với chính bản thân. "Đó là khi bạn đang muốn cho bản thân thấy mọi thứ thực sự trở nên tồi tệ", tiến sĩ Dixson nói. Khi khóc, chúng ta tập trung hoàn toàn vào vấn đề của mình để nhận ra hoặc thậm chí tìm cách giải quyết chúng.
Đây có lẽ cũng chính là lý do nhà triết học Jerome Neu từng viết một cuốn sách có tựa đề "Nước mắt là một biểu hiện của trí tuệ", ông đặt những giọt nước mắt xúc động của chúng ta vào những kết nối bí ẩn với suy nghĩ, tính cách và danh tính của mỗi người.
Trong một cuốn sách khác "Khóc: Bí ẩn của nước mắt", tác giả William Frey là một nhà hóa học đã đưa ra thêm một lời giải thích. Ông đã thu thập nước mắt của 42 người phụ nữ khóc khi họ xúc động và so sánh chúng với những giọt nước mắt phản xạ của 61 phụ nữ khác. Kết quả cho thấy những giọt nước mắt xúc động có nồng độ protein cao hơn 21%.
Frey cũng phát hiện ra những giọt nước mắt xúc động chứa nhiều hóa chất khác như prolactin và hooc-môn vỏ thượng thận (ACTH), hooc-môn căng thẳng và leucine enkephalin, một loại thuốc giảm đau tự nhiên tương tự như morphine.
Mặc dù liều lượng của các hóa chất có trong nước mắt này rất nhỏ, phát hiện của Frey vẫn là một cơ sở để giải thích tại sao khóc có thể khiến chúng ta thấy thoải mái hơn bên cạnh hiệu ứng tâm lý mà nó mang lại. Đó là một lý do nữa cho thấy tại sao chúng ta có thể khóc một mình.
Động vật thể hiện cảm xúc như thế nào?
Trở lại với đám thú cưng, một câu hỏi đặt ra là: Nếu chó không thực sự biết khóc thì liệu chúng có biết buồn hay không?
"Bộ não của chó không giống như con người. Chúng có một sự khác biệt lớn ở kích thước. Não của một con chó chỉ nhỏ bằng một quả quýt… vì vậy chúng không thể làm một số việc mà chúng ta có thể làm", Gregory Berns, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Emory cho biết.
Nhưng để kiểm tra xem những con chó có cảm xúc hay không, ông đã đưa chúng vào máy cộng hưởng từ MRI. Kết quả cho thấy những con chó cũng có sự thay đổi hoạt động não tương ứng với các phản ứng kích thích cảm xúc như tình yêu, nỗi sợ, nỗi buồn hoặc cảm giác tội lỗi.
Vậy nếu chó cũng biết buồn, chúng sẽ thể hiện điều đó như thế nào? Các nhà khoa học cho biết ngôn ngữ thể hiện nỗi buồn của chúng khác với con người, nhưng bạn vẫn có thể nhận diện được nỗi buồn của chó qua các biểu hiện:
1. Thay đổi giọng thành rên rỉ hoặc thút thít
2. Chán nản với các món đồ chơi chúng từng thích thú
3. Uể oải, chán ăn
4. Mắt lác hoặc híp lại nhỏ hơn bình thường
5. Cụp tai hoặc cụp đuôi
6. Thay đổi thói quen ngủ hoặc hành vi
7. Trở nên quá hung dữ hoặc quá sợ sệt
Tin vui là chó thường không buồn quá lâu, với chúng nỗi buồn chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Nếu bạn thấy mình cần phải làm gì để con chó trở nên vui hơn, hãy thử dắt nó đi dạo, gặp gỡ những con chó khác hoặc đơn giản là lấy cho nó một vài món đồ chơi.
Nếu tất cả không có tác dụng, bạn hãy nghĩ đơn giản là mình cũng cần tôn trọng cảm xúc của động vật. Hãy để thú cưng của bạn một mình khi chúng muốn và đợi nỗi buồn ấy qua đi.
Ý kiến ()