Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:08 (GMT +7)
Độc, lạ trong sự kết hợp của sắt, than và rác
Thứ 7, 20/11/2021 | 08:03:07 [GMT +7] A A
Khá lâu rồi, công chúng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung mới có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với sự kết hợp của sắt, than và rác tại TP Hạ Long.
Qua 90 ngày thực hiện với hơn 6 tấn sắt vụn, than và rác, 40 tác phẩm nghệ thuật với chủ đề “Hạ Long không rác thải” đã ra đời và được triển lãm ngay tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Mỗi một tác phẩm của triển lãm điêu khắc Halo art đều mang trong mình những sứ mệnh riêng.
Mỗi tác phẩm là sự chất chứa những rung cảm nghệ thuật của người sáng tạo. Một sự mới lạ và tình cờ, độc đáo và riêng có bởi những thiết bị vật tư của ngành than hết giá trị sử dụng lại được tái tạo để viết nên câu chuyện về ngành Than, tạo sự kết nối vô hình giữa vật chất và văn hóa. Những thanh sắt uốn, bẻ, hàn xì, lắp ráp, những đoạn gỗ trôi nổi trên Vịnh được bào nhẵn và những hòn than kíp lê được đặt lên… để cho ra các tác phẩm sinh động. Công việc nghe qua tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng nhìn vào các tác phẩm đã cho thấy một cách làm việc nghiêm túc, chỉn chu của ê kíp triển lãm Halo Art.
Một số tác phẩm được tác giả Nguyễn Đức Luận cùng ê kíp mang tới triển lãm Halo Art lần này đặt tên rất ấn tượng, như là “Dòng sông sen”, là “Áo anh ướt thơ”, là “Ngóng cha giờ tan ca”, là “Hạnh phúc vô hình”, là “Bình yên”, là “Sơn nữ”, là “Hạ Long trong tôi”. Chủ đề chính mà triển lãm này hướng tới đó chính là những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Trong triển lãm có những tác phẩm chính làm từ sắt, tiêu biểu nhất là “Rồng phù Hạ Long” của nghệ sỹ Đức Luận với đường nét mềm mại, bay bổng nhưng cũng không kém phần uy nghiêm của một linh thú đứng đầu Tứ linh. Toàn bộ quá trình chế tác hoàn toàn thủ công, với sự tham gia của những nghệ nhân lành nghề, mang ý nghĩa cầu an, vượng tài, ngăn chặn điều xấu, hóa giải tà khí cho không gian sống của con người. Truyền thuyết về vịnh Hạ Long, di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới, vùng đất hội tụ linh khí rồng thiêng, nơi rồng hạ cũng được nghệ sĩ Nguyễn Đức Luận thể hiện tinh thần trong tác phẩm này.
Hầu hết chúng ta đều cho rằng, những thanh sắt khô cứng với kích cỡ khác nhau chỉ có thể dùng làm vật liệu trong xây dựng, trong kiến trúc và công cụ phục vụ lao động, sinh hoạt, khó có thể hình dung sắt lại có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật, khắc họa được hình ảnh những cô sơn nữ sống động, mềm mại và đáng yêu đến thế. Những cô sơn nữ thể hiện một phần văn hóa đa sắc màu dân tộc ở Quảng Ninh, nơi miền biên viễn với những cô gái Dao, Tày, Sán Chỉ rộn ràng váy áo trong ngày chợ phiên hay những lễ hội văn hóa dân tộc truyền thống ở địa phương mình.
Than đá không chỉ là nguồn tài nguyên khoáng sản quý của tổ quốc mà còn trở thành chất liệu cho nhiều sáng tác điêu khắc. Điêu khắc từ than đá đã được nhiều nghệ sĩ sáng tác ở Quảng Ninh lựa chọn và thể hiện, tuy nhiên với Nguyễn Đức Luận, anh lại có hướng đi riêng. Than đá được anh kết hợp với sắt và những vật liệu cũ từng là công cụ khai thác than tại các hầm lò, với tình yêu, lòng cảm mến của người nghệ sĩ với Vùng mỏ và truyền thống văn hóa người thợ mỏ, để tạo nên những bức tranh đa sắc màu về văn hóa mỏ.
Tác phẩm "Tình yêu người thợ mỏ" được tạo nên từ những vật liệu cũ sử dụng trong hầm lò, như: Cột chống thủy lực, cầu máng cào vận tải than, than đá kết hợp với vỏ tàu gỗ cháy và sắt cũ (sắt phế thải). Ở những góc nhìn khác nhau, có thể hình dung tác phẩm thành những hình tượng khác nhau. Từ xa, tác phẩm tựa hình chim phượng hoàng - một trong những Tứ linh của người Việt đang tung cánh giữa bầu trời xanh. Trực diện, nhìn giống dải đất hình chữ "S" mềm mại mà kiên cường, bất khuất. Ở góc độ khác lại là một cô gái đón người yêu vừa tan ca, dịu dàng quàng cho anh chiếc khăn mỏng trong tiết trời se lạnh. Họ trao nhau nụ hôn ấm áp và hạnh phúc... Tình yêu người thợ mỏ không chỉ là tình yêu đôi lứa mà cao hơn đó còn là tình yêu cội nguồn, yêu quê hương, đất nước, là niềm tự hào được sống, lao động và cống hiến để tạo nên những giá trị đích thực cho ngày nay, cho ngày mai và muôn đời sau.
Tác phẩm "Áo anh nên thơ" khắc họa hình ảnh người thợ mỏ với chiếc mũ đặc trưng, riêng có được kết bằng hàng nghìn viên than nhỏ. Người thợ sau ca làm việc có phần mệt mỏi, bỗng tươi nụ cười trên môi khi có một cánh bướm nhỏ đậu trên vai anh. Và phía dưới là những chồi non đang vươn mình dưới ánh ban mai với một sức sống mãnh liệt. Hình ảnh vừa chân thực, vừa lãng mạn chính là món quà, tình yêu và sự tri ân của tác giả gửi tới thợ lò - chiến sĩ ngành Than nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ, Truyền thống ngành Than 12/11.
Toàn bộ quá trình chế tác những tác phẩm nói trên đều được làm hoàn toàn thủ công. Cắt, mài, giũa, uốn với những thanh sắt là nguyên liệu hoàn toàn mới đã khó, đây lại là những thanh sắt phế thải, hoen gỉ. Tuy nhiên khi mỗi sản phẩm được hoàn thiện lại cho thấy những đường nét, họa tiết được khắc họa vô cùng mềm mại, bay bổng, trau chuốt. Với ngôn ngữ tạo hình độc đáo riêng, Halo Art đã viết nên một câu chuyện rất riêng về ngành Than, thông qua ngôn ngữ điêu khắc. Những tác phẩm đã tái hiện hình ảnh người thợ mỏ, một hình tượng làm nên sự tự hào của người dân Quảng Ninh, với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” đã góp phần tạo dựng nên một Quảng Ninh hôm nay.
Với thông điệp Hạ Long không rác thải, các tác phẩm mà triển lãm Halo Art hướng tới đã phần nào nhắc nhở mỗi người dân Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ luôn nhớ tới những ánh hào quang của những giá trị từ di sản của Hạ Long hay ngành công nghiệp than mà còn thôi thúc trong tâm trí mỗi cá nhân nhớ về giá trị nguồn cội. Từ đó, họ sẽ ra sức bảo vệ và phát huy để những giá trị văn hóa ấy trường tồn với thời gian.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch và thương mại Vinacomin, Trưởng Ban tổ chức Triển lãm, chia sẻ: Sự phát triển về du lịch cần có những cách làm phù hợp để hạn chế những thách thức ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, để du lịch Quảng Ninh không chỉ an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà còn xanh tươi, trong lành. Xuất phát từ nhận thức đó, chúng tôi, những người yêu Hạ Long, yêu những giá trị văn hóa, lịch sử đã gặp nhau và kết thành một khối, một Halo Art, tập thể những người có cùng chung ý chí, cùng nhau khai thác, truyền bá và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của Hạ Long thông qua một góc nhìn khác, góc nhìn của nghệ thuật điêu khắc.
Chúng tôi nhận thức được rác thải là một nguồn tài nguyên lớn, từ việc ý thức cần làm một điều gì đó cho môi trường, ý nghĩa cho cộng đồng thì vật liệu phế thải lại là nguồn cảm hứng sáng tạo để chúng tôi làm hồi sinh, biến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều lớp ý nghĩa, nhiều thông điệp khác nhau. Dành nhiều ngày để suy nghĩ, lao động để hồi sinh những thứ tưởng chừng như không còn giá trị, HaLo Art muốn khẳng định rằng, chúng hoàn toàn có thể biến thành những tác phẩm nghệ thuật mang tầm ảnh hưởng lớn, có giá trị trong kiến trúc, xây dựng cũng như giá trị với ngành du lịch của Quảng Ninh. Những cảnh điểm tham quan, check-in sẽ có nhiều dấu ấn hơn thông qua những sản phẩm điêu khắc nghệ thuật như thế này.
Với chủ đề “Vì một Hạ Long xanh”, triển lãm nhằm thay đổi nhận thức để thể hiện tích cực hơn nữa suy nghĩ và hành động của mình qua các dự án, các giải pháp kiến trúc phù hợp với văn hóa Việt Nam và đặc biệt là yếu tố bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch, thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khẳng định Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()