Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:37 (GMT +7)
Rực rỡ Văn hoá Hạ Long
Chủ nhật, 05/02/2023 | 14:24:26 [GMT +7] A A
LTS: Quảng Ninh từ lâu được biết tới là một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, gắn bó chặt chẽ với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xuyên suốt hàng ngàn năm tới ngày nay. Người Quảng Ninh tất thảy đều tự hào với truyền thống lịch sử quê hương Vùng mỏ, là nơi diễn ra những chiến công vang dội như chiến thắng Bạch Đằng vào các năm 938, 981, 1288; Chiến thắng trận đầu 5/8/1964; cái nôi của giai cấp công nhân ngành Than với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”… Không chỉ có những chiến công, vùng đất Quảng Ninh còn là đề tài cảm hứng không vơi cạn cho bao bậc quân vương, danh nhân sáng tác, ứng đối thi ca. Hệ quả đã để lại trên vùng đất Quảng Ninh tới ngay nay một kho di sản văn hoá to lớn và vô giá.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, 30/10 (1963-2023), từ số này, Báo Quảng Ninh Cuối tuần mở chuyên mục Dọc đường lịch sử ngõ hầu điểm lại những nét nổi bật của lịch sử Quảng Ninh từ hàng ngàn năm tới nay.
Hơn 80 năm trước, vào những năm 1937-1938 có lẽ J.Anderson (Thụy Điển) và M.Colani (Pháp) là những nhà khảo cổ đầu tiên đặt chân đến vùng đất Quảng Ninh ngày nay. Nhà nữ khảo cổ học người Pháp đã khảo sát dọc ven biển từ Móng Cái đến Hòn Gai và một số đảo trên vịnh Bái Tử Long. Tại những điểm như Cái Dăm, Cột Tám, Hà Giắt, nhất là đảo Ngọc Vừng (khi ấy người Pháp đặt Danh Do La), Colani đã phát hiện nhiều công cụ đá là những bàn mài, rìu đá, bôn đá có vai, có nấc cùng những mảnh vỡ đồ gốm giống như bánh quy là những dấu tích của người cổ xưa. Tuy nhiên, chúng có đặc điểm riêng không giống như đã phát hiện ở những nơi khác. Từ đặc trưng ấy, Colani đã công bố phát hiện trên các tạp chí khoa học và đưa ra khái niệm Văn hoá Danh Do La để chỉ văn hoá của người tiền sử thời đồ đá ở ven biển và hải đảo Quảng Ninh.
Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, nhất là khoảng 40 năm trở lại đây, các nhà khoa học cả Việt Nam và quốc tế đã có nhiều cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ những địa điểm phát hiện dấu tích người tiền sử tại Quảng Ninh. Qua đó đưa đến góc nhìn toàn cảnh, đầy đủ hơn về diện phân bố, phương thức sống của người Việt cổ tại Quảng Ninh. Đặc biệt, với những phát hiện công cụ đá ở hang Soi Nhụ trên vịnh Bái Tử Long, hòn Ngò (xã Đông Hải, Tiên Yên), núi Hứa (xã Đại Bình, Đầm Hà) cho thấy người Việt cổ đã cư trú ở Quảng Ninh sớm hơn rất nhiều so với những gì Colani phát hiện - tức là vào khoảng 7.000 năm trước hay còn gọi Sơ kỳ đá mới. Khi ấy, các cư dân đầu tiên khai phá Quảng Ninh ngoài công cụ ghè đẽo từ đá cuội đã biết dùng công cụ mài là những rìu đá.
Đến giai đoạn Hậu kỳ đá mới (cách ngày nay 4.500 năm - 3.300 năm), diện phân bố của người Việt cổ ở Quảng Ninh đã trải rộng hơn rất nhiều, từ Quất Đông, Thoi Giếng (Móng Cái), Ba Vũng, Ngọc Vừng (Vân Đồn), tới Xích Thổ, Cột Tám, Cái Dăm (Hạ Long ngày nay)… Thông qua các hiện vật, các nhà khoa học đã “vẽ” lại bức tranh khá đầy đủ về đời sống người Việt giai đoạn này. Đó là họ sống dựa vào biển, lấy hái lượm là phương thức sống chính. Trong đời sống sinh hoạt, họ đã lấy vỏ ốc làm vòng trang sức. Trong chế tác đồ gốm, họ đã trộn đất với vỏ sò, ốc đập vụn để tăng độ cứng. Đặc biệt, họ đã lấy sóng nước Hạ Long làm đề tài trang trí lên các nồi, vò, bình gốm. Chính các chi tiết này là đặc trưng để phân biệt người Việt cổ ở Hạ Long với các nơi khác ở cùng giai đoạn lịch sử.
Các nhà khoa học đều thống nhất đặt khái niệm Văn hoá Hạ Long để chỉ một giai đoạn lịch sử của người Việt cổ đã cư trú ở ven biển và hải đảo Quảng Ninh thời Hậu kỳ đá mới ở Việt Nam với hai đặc trưng là rìu có vai có nấc và đồ gốm “bánh quy” với hoa văn sóng nước Hạ Long. Họ đã sinh sống, sáng tạo ra những giá trị văn hoá rực rỡ, có sự giao thoa với các nền văn hoá khác đương thời. Đó là tiền đề cho sự phát triển tiếp theo sau đó là Thời đại Kim khí - Văn minh Hùng Vương.
(còn nữa)
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()